Mới đây, một thanh niên sinh năm 1992 được chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) do khó thở, hai chân phù, bụng to.
Khai thác thông tin ghi nhận, thời gian trước nhập viện, người bệnh thấy mệt khi đi lại vài bước chân hoặc khi trèo cầu thang. Tình trạng nặng nề hơn khi anh ngồi nghỉ cũng bị mệt và khó thở, tay chân phù và bụng to lên.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị suy tim cấp. Các xét nghiệm, siêu âm tim… sau đó cho thấy anh bị suy tim độ 3 do bệnh cơ tim giãn nở. Bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị suốt đời kết hợp chế độ dinh dưỡng, thể lực, sinh hoạt, tái khám đều đặn.
Bác sĩ Võ Thị Tám, Khoa Nội tim mạch Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết người bệnh không được hoạt động mạnh, phải tập đi lại từ từ, chỉ quét nhà rửa chén thay vì hoạt động gắng sức.
Đáng lưu ý, bệnh nhân còn rất trẻ nên đời sống tình dục cũng là một mối quan tâm lớn. Bác sĩ Tám cho hay hoạt động tình dục cũng là một vận động gắng sức nên bệnh nhân suy tim độ 3 không nên thực hiện.
Sau thời gian điều trị, tái khám, nếu bác sĩ đánh giá anh đã phục hồi chức năng tim mạch, có thể vận động gắng sức thì hoạt động tình dục mới trở lại bình thường.
Theo bác sĩ Tám, mặc dù suy tim chủ yếu gặp ở người lớn tuổi nhưng vẫn ghi nhận một số bệnh nhân ở tuổi 30, 40. Một tỷ lệ nhỏ của suy tim là do bệnh lý cơ tim giãn nở, thường gặp ở nam giới trẻ tuổi.
Riêng tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mỗi tháng có khoảng hơn 20 bệnh nhân suy tim nhập viện, tỷ lệ tái khám 95% giúp việc theo dõi và điều trị hiệu quả hơn.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui, Khoa Nội tim mạch Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, suy tim là hậu quả cuối cùng của bệnh lý tim mạch. Một nghiên cứu cho thấy sau 2 năm, có 30% bệnh nhân suy tim tử vong, sau 5 năm có 50% bệnh nhân suy tim tử vong.
Bên cạnh đó, 10-30% người bệnh suy tim còn đối mặt với vấn đề tâm lý, trầm cảm. Nghiên cứu cũng cho thấy, có 25% bệnh nhân suy tim không được điều trị, 50% được dùng 1 loại thuốc trong khi đó thế giới có ít nhất 4 loại thuốc suy tim.
Các loại thuốc này giúp điều trị triệu chứng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong, cải thiện gắng sức. Tuy nhiên, không nhiều bệnh nhân được thụ hưởng. Ngoài ra, tình trạng người bệnh tự ý bỏ thuốc khiến triệu chứng nặng nề phải nhập viện cấp cứu xảy ra không ít.
Bệnh viện cũng đang điều trị cho "người quen" là ông N.H.N (75 tuổi, TP Thủ Đức), bị bệnh tim nhiều năm. Ông thường tự ngưng thuốc theo đơn bác sĩ mà ra cửa hàng mua và uống. Con cái biết nhưng không thể can ngăn. Hậu quả là, ông vào viện cấp cứu 4-5 lần chỉ trong 1 năm do suy tim cấp.
“Chúng ta cần một chương trình quản lý bệnh nhân suy tim để tối ưu điều trị, tư vấn toàn diện về dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động. Nhiều người rất sợ bệnh ung thư nhưng không biết tỷ lệ tử vong vì suy tim còn cao hơn ung thư vú, ung thư tuyến giáp...", bác sĩ Vui tâm sự.