Gao đang phải đối mặt với hành trình kiện tụng dài và khó khăn liên quan đến chiếc mũi bị phẫu thuật hỏng của mình vào tháng 3/2020.
Thời điểm đó, cô gái 26 tuổi đi làm mũi lần thứ 4. Bác sĩ tại một phòng khám ở Tô Châu (Giang Tô, Trung Quốc) nói rằng sẽ tạo cho cô một chiếc mũi thanh tú hơn. Theo các tài liệu mà Gao đưa cho Sixth Tone, kế hoạch của bác sĩ là sử dụng sụn và các mô từ tai của Gao để cấy ghép vào mũi.
Sau khi phẫu thuật, cô nhận ra bác sĩ chưa hề chạm vào tai mình. Nhưng do hài lòng với kết quả, cô không bận tâm.
8 tháng sau, mũi của Gao sưng tấy và nhiễm trùng. Cô gái hoảng sợ tìm đến phòng khám thẩm mỹ khiếu nại tuy nhiên bị từ chối. Phòng khám không thừa nhận bất kỳ sai sót nào, cũng không đưa ra các giải pháp thoả đáng.
Những bức ảnh được chụp từ năm 2015 đến năm 2021 của Gao. Ảnh: Sixth Tone. |
Trường hợp của Gao không phải cá biệt. Giới trẻ Trung Quốc ngày càng quan tâm đến ngoại hình và các tiêu chuẩn sắc đẹp khắt khe, bị đánh giá là không lành mạnh. Tuy nhiên ngành y học thẩm mỹ của đất nước này vẫn thiếu các bác sĩ có trình độ và quy định chuyên môn. Các phòng khám tư nhân hoạt động "chui" mọc lên nhan nhản.
Công ty tư vấn iResearch ước tính vào năm 2019, Trung Quốc chỉ có 13.000 đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ hợp pháp, trong khi đó có đến hơn 80.000 cơ sở bất hợp pháp. Ngay cả tại các đơn vị được cấp phép, có 15% thực hiện các thủ thuật không được chứng nhận.
Đồng thời, nhiều người lại đánh giá thấp rủi ro và mức độ khó khăn của các ca phẫu thuật thẩm mỹ.
Kết quả là số lượng tranh chấp liên quan đến vấn đề này tăng vọt. Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc cho biết vào năm 2019, số lượng khiếu nại về phẫu thuật thẩm mỹ mỗi năm đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 2015.
Từ nghiện ngập đến hối hận
Gao bắt đầu chỉnh sửa các bộ phận trên khuôn mặt của mình vào năm 2014. Khi đó một người bạn của cô, nhân viên thẩm mỹ viện, đã nói với Gao rằng ngoại hình của cô hoàn hảo, ngoại trừ chiếc mũi.
"Lời nói của cô ấy khiến tôi chú ý hơn đến chiếc mũi của mình. Tôi bắt đầu nghĩ rằng sửa mũi sẽ khiến tôi trông hoàn hảo hơn", Gao nói.
Ngày càng có nhiều người trẻ ở Trung Quốc phẫu thuật thẩm mỹ để nâng cao sự tự tin cho bản thân. Ảnh: SCMP. |
Từ năm 2016 đến năm 2018, Gao đã trải qua 3 ca phẫu thuật mũi và 3 ca phẫu thuật cắt mí mắt, chưa kể một số liệu pháp căng da. Mặc dù kết quả không phải lúc nào cũng hoàn toàn hài lòng nhưng cô nghĩ rằng một cuộc phẫu thuật khác có thể sửa chữa.
Nhưng lần làm mũi thứ 4 đã khiến cô bị nhiễm trùng và gặp các biến chứng khác. Gao nhận ra mình đã đi quá xa.
Gao đã dùng thuốc kháng sinh trong hai tháng, điều này khiến đầu óc cô mơ màng và khuôn mặt sưng tấy đến mức không nhận ra. Cô tự nhốt mình ở nhà. Gần đến lúc tuyệt vọng, cô bắt đầu có ý định tự tử.
"Tôi đã rất quan tâm đến ngoại hình của mình từ khi còn nhỏ. Nếu khuôn mặt tôi thực sự bị biến dạng, cuộc sống không còn ý nghĩa nữa", Gao nói.
Cô gái quyết tâm tháo bỏ những yếu tố gây nhiễm trùng ra khỏi mũi. Tuy nhiên, bất cứ phòng khám nào cô đến, các bác sĩ đều từ chối phẫu thuật. Mãi đến cuối tháng Một, một bác sĩ ở bệnh viện công mới đồng ý giúp cô.
Các phiên tòa thẩm mỹ
Trong phòng ngủ, Gao giữ một lọ nhỏ chứa thứ mà cô hy vọng sẽ là bằng chứng quan trọng cho vụ kiện của mình. Bên trong lọ, ngập trong formaldehyde là hai miếng sụn đã được lấy ra khỏi chiếc mũi của cô. Chúng dường như không phù hợp với các mô tả trong hồ sơ y tế của phòng khám.
Các mảnh sụn được lấy ra từ mũi của Gao. Ảnh: Sixth Tone. |
Theo Sixth Tone, mấu chốt của các tranh chấp về quy trình thẩm mỹ là thẩm định y tế, trong đó các chuyên gia xác định xem có xảy ra sơ suất y tế hay không. Như trường hợp của Gao, hy vọng quá trình này sẽ cho thấy sụn bên trong lọ thuốc là của cô hay của người khác.
Trên thực tế, việc thẩm định chỉ xảy ra nếu có lệnh của tòa án. Một hiệp hội y tế địa phương cũng có thể tiến hành thẩm định nếu cả hai bên trong tranh chấp đồng ý. Nhưng các phòng khám bị cáo buộc có hành vi sai trái tất nhiên chẳng khi nào đồng ý.
Không có số liệu trên toàn quốc về số vụ tranh chấp do phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng vào năm 2020 và 2021, 2 tòa án quận ở Thượng Hải và Bắc Kinh tiết lộ họ đã xử lần lượt 94 và 195 trường hợp trong 5 năm qua.
Cả 2 tòa án đều nói rằng số lượng các vụ tranh chấp về phẫu thuật thẩm mỹ đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và hầu hết bị đơn đều là các phòng khám tư nhân.
Tòa án Thượng Hải lưu ý rằng các vụ án về phẫu thuật y tế tương đối phức tạp và thường mất nhiều thời gian hơn các vụ án dân sự khác, chỉ có 16% các vụ án kết thúc với một phán quyết và các nguyên đơn thường đánh giá quá cao mức bồi thường mà họ có thể nhận được.
Một diễn viên Trung Quốc tên Gao Liu đăng hình ảnh mũi bị biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: SCMP. |
Trạng thái bình thường mới
Sau sự cố của mình, Gao đã nhìn nhận các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ theo một khía cạnh khác.
"Sau ngần ấy năm, cuối cùng tôi nhận ra rằng thực sự không cần thiết phải phẫu thuật nhiều đến thế. Việc nâng mũi khiến tôi liên tục phải đề phòng. Khi tôi đi câu lạc bộ, tôi luôn sợ bị ai đó đập trúng mũi", Gao nói.
Hiện tại, mũi của Gao gần như trở lại bình thường. Tất cả những nỗ lực để cải thiện ngoại hình của cô đã tiêu tốn tổng cộng 400.000 nhân dân tệ. Đây là số tiền để Gao có thể mua một căn hộ nhỏ.
Nhưng Gao vẫn chưa hoàn toàn xong việc với khuôn mặt của mình. Gần đây cô đã xăm lông mày, mí mắt và môi. Gao bắt đầu nhận thấy nhiều người trên phố trông rất giống mình - như thể họ đã trải qua những cuộc phẫu thuật giống nhau. Vì vậy, cô gái đang nghĩ đến việc làm điều gì đó có thể khiến khuôn mặt mình nổi bật trở lại.
"Tôi đã tính đến việc xăm một nốt ruồi trên mặt mình. Sau khi tham khảo các tài liệu bói toán, tôi dự định sẽ đi cắt một bên lông mày và thêm một nốt ruồi để cho thấy sự giàu có", cô nói.
Theo Zing
Hệ lụy gây ám ảnh từ biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ
Không thể phủ nhận mặt tích cực phẫu thuật thẩm mỹ đem lại cho những người không may sở gương mặt có khuyết điểm. Tuy nhiên có những ca phẫu thuật thẩm mỹ lỗi, hỏng khiến không ít người gặp di chứng, thậm chí là tử vong.