Tài liệu tình báo của Lầu Năm Góc đánh giá chương trình không gian của Nga nhiều khả năng sẽ suy yếu trong thời gian tới, song mối đe doạ từ Trung Quốc ngày càng tăng lên.
Cụ thể, phía Mỹ cho rằng Nga đang đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu, các lệnh bao vây cấm vận và sự trỗi dậy của SpaceX khiến lĩnh vực vũ trụ của nước này dần suy yếu trong thập kỷ tới. Trong khi đó, Trung Quốc đã phát triển đủ năng lực “đe doạ đến tài sản của Mỹ và đồng minh ngoài không gian”.
Gia tăng các mối đe doạ tinh vi
Tài liệu cũng cho thấy sự quan trọng ngày càng tăng của tác chiến vũ trụ trong chiến tranh hiện đại, điển hình như cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các mối đe doạ đã được giới quân sự phân tích trong những năm qua.
Phát biểu tại hội nghị Space Symposium ở Colorado Springs, tướng Chance Saltzman, người đứng đầu Lực lượng Không gian Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc đang “nhìn thấy một loạt các mối đe dọa cực kỳ tinh vi”, chẳng hạn như gây nhiễu vệ tinh thông tin liên lạc và GPS, tàu vũ trụ “bắt” vệ tinh, công nghệ laser, hoạt động tấn công mạng hay các tàu mẹ mang chùm vệ tinh do thám.
Bộ trưởng Không quân Mỹ, Frank Kendall cho biết trong hội nghị rằng Trung Quốc “đã tăng gấp đôi số lượng vệ tinh của họ ngay từ khi Lực lượng Không gian được thành lập”. Nước này hiện có hơn 700 chiếc đang hoạt động với khoảng 250 chiếc hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
Cả Trung Quốc và Nga đều có khả năng tiêu diệt vệ tinh trên quỹ đạo bằng tên lửa. Trung Quốc thử nghiệm thành công vào năm 2007, trong khi vào năm 2021, Nga đã phá hủy một vệ tinh ngừng hoạt động bằng tên lửa.
Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy Nga cũng đã thử nghiệm hệ thống tác chiến điện tử Tobol nhằm phá vỡ hệ thống vệ tinh Starlink của SpaceX, mạng lưới Internet vệ tinh giữ cho người Ukraine duy trì kết nối trong suốt cuộc chiến.
Trong báo cáo hàng năm “Đánh giá mối đe dọa không gian” được phát hành vào tháng 4, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nhận thấy “Trung Quốc tiếp tục đạt được tiến bộ, hướng tới mục tiêu trở thành nước dẫn đầu về vũ trụ”.
Nước này đã xây dựng một trạm vũ trụ trên quỹ đạo thấp của Trái đất, hạ cánh một tàu vũ trụ trên bề mặt Mặt Trăng và một xe tự hành trên Hỏa tinh. Ngoài ra, Bắc Kinh có kế hoạch đưa phi hành gia lên khu vực cực nam của Mặt Trăng, cũng là đích đến của chương trình Artemis mà NASA đang triển khai.
Sự trỗi dậy và suy yếu của các cường quốc vũ trụ
Các quan chức Mỹ cho biết, cho đến nay, trong số các đối thủ của Mỹ, Trung Quốc có chương trình không gian năng động hơn cả.
Trong khi chương trình không gian của Trung Quốc đang phát triển đều đặn thì của Nga lại giảm dần, theo các tài liệu tình báo bị rò rỉ. Cùng với sự cạnh tranh toàn cầu, “các mối quan hệ đối tác với phương Tây bị cắt đứt và chuỗi cung ứng bị gián đoạn cũng rất có thể đã cản trở khả năng tạo nguồn tài trợ cho chương trình vũ trụ của Nga, vốn đang suy giảm ít nhất kể từ năm 2020,” một trong các tài liệu cho biết.
Dù không đề cập đến tên SpaceX, tài liệu cho hay vào năm 2020, “một công ty thương mại của Mỹ đã được cấp giấy phép vận chuyển phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế. Trước đó, Washington từng phải trả 75-85 triệu USD cho mỗi chỗ ngồi khi sử dụng tàu vũ trụ của Nga”.
Tuy nhiên, các lệnh cấm vận đã khiến đối tác nước ngoài “quay lưng” với Moscow cũng như các hoạt động liên quan không gian khác, dẫn đến nguồn doanh thu chính cho các chương trình vũ trụ của Nga bị co lại. Chưa kể, những biện pháp trừng phạt khiến nước này gặp khó khăn trong việc mua sắm linh kiện và máy móc nước ngoài.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng nhận định chiến lược quân sự tổng thể của Trung Quốc đã thúc đẩy nước này trong phát triển học thuyết về không gian và phản không gian, cũng như các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình hoạt động.
Bill Nelson, Tổng Giám đốc NASA cho hay, cuộc đua vũ trụ dân sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rất “nóng bỏng” và Mỹ sẽ làm mọi cách để đưa người trở lại Mặt Trăng trước đối thủ.
(Theo Washington Post)