Có ô tô cũng không dám bỏ ra dùng
Anh Phạm Mạnh Hoà (37 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) hàng ngày phải đi làm qua “con đường đau khổ” Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ. Đây cũng chính là cung đường khai thác của tuyến xe buýt nhanh BRT 01 (Yên Nghĩa – Kim Mã).
Anh Hoà cho biết, từ nhà đến cơ quan ở Kim Mã khoảng chừng 10km và gần như chỉ có thể đi được trên trục đường hướng tâm này. Sáng nào anh Hoà cũng phải đi hết xấp xỉ 1 giờ đồng hồ đối với xe máy, còn nếu đi ô tô thì sẽ hết không dưới 1,5 giờ, chưa kể những ngày mưa hay có tai nạn thì việc “chôn chân” một chỗ cả tiếng đồng hồ là bình thường.
Dù nhà có ô tô từ lâu nhưng xe của anh gần "đắp chiếu", không dám bỏ ra dùng để đi làm hàng ngày mà chủ yếu vẫn sử dụng xe máy cho tiện, tiết kiệm thời gian. Thế nhưng, ngay cả đi xe máy ở tuyến đường trên cũng chẳng mấy dễ chịu.
“Đường có 3 làn, trong khi đó BRT đã chiếm 1 làn rồi, 2 làn còn lại thì ô tô con rồi xe buýt thường cũng bịt kín khiến xe máy như chúng tôi gần như không còn chỗ để đi nữa, đành phải lao lên vỉa hè hoặc chấp nhận sang làn BRT, đi chung với xe buýt.”, anh Hoà nói.
Còn chị Nguyễn Mỹ Linh (31 tuổi ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) vì lý do công việc nên thường xuyên sử dụng ô tô riêng để di chuyển từ nhà đến công ty trên phố Hoàng Ngân.
Dù ngồi ô tô có vẻ mát mẻ và dễ chịu hơn nhiều so với xe máy nhưng khi di chuyển trên tuyến đường Tố Hữu, Lê Văn Lương cũng đòi hỏi tài xế phải hết sức kiên nhẫn. Không ít lần, chị Linh "tặc lưỡi" phóng vào làn BRT vì thoáng và nhiều xe ô tô khác cũng đi vào.
“Đường quá tắc, ô tô xe máy lại ken cứng lòng đường không thể đi nổi nên thỉnh thoảng tôi vẫn ‘đánh liều’ đi vào làn BRT. Thế nhưng cực chẳng đã mới phải đi như vậy chứ trong lòng nơm nớp lo bị phạt nguội hoặc ai đó chụp ảnh bêu lên mạng xã hội”, chị Linh chia sẻ.
Và lo ngại của nữ tài xế này là có cơ sở khi vào cuối tháng 5 vừa qua khi chuẩn bị mang xe đi đăng kiểm, chị Linh kiểm tra trên hệ thống phạt nguội của cảnh sát giao thông thì bất ngờ thấy mình có 1 lỗi vi phạm vào ngày 24/3 chưa được xử lý.
Khi đến đội Chỉ huy giao thông và Đèn tín hiệu (phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), chị được cán bộ ở đây cho xem hình ảnh chiếc xe của mình đang ở trên làn BRT vào sáng ngày 24/3 cùng biển số rõ mồn một. Sau đó, chị Linh đã phải nộp phạt 4 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước GPLX 1 tháng. Đúng là đắng lòng!
Có nên chia sẻ làn BRT với các phương tiện khác?
Theo khảo sát của PV VietNamNet, xe buýt BRT hiện nay đang hoạt động với tần suất khoảng 10 phút/chuyến vào ngày thường và khoảng 12 phút/chuyến vào ngày nghỉ. Dù được đánh giá là sạch sẽ, hiện đại và chạy khá đúng giờ, tuy nhiên lượng khách đi BRT vẫn chưa đông, tỷ lệ phủ khách trung bình trên xe chỉ khoảng 30-40%.
Với lượng hành khách được BRT phục vụ như vậy, nhiều ý kiến của chuyên gia và người dân cho rằng, sẽ là bất hợp lý khi xe BRT được sử dụng riêng một mình một làn đường, trong khi hàng chục nghìn phương tiện khác hàng ngày phải chen chúc nhau trên phần đường chật chội còn lại. Hơn nữa, không phải ai cũng thuận tiện để có thể tiếp cận sử dụng loại phương tiện này.
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, xe buýt nhanh BRT được ra đời trên thế giới từ năm 1974 và được mệnh danh là Metro trên cạn. Theo thống kê, có 190 thành phố trên thế giới có BRT và đây được xem là giải pháp hiệu quả cho giao thông công cộng.
"Bản chất xe BRT là rất tốt nhưng bất cập khi triển khai ở Hà Nội là không đồng bộ về hạ tầng nên hiệu quả không cao. Thực ra vấn đề này nhiều nước trên thế giới cũng gặp chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, hiện nay mình chưa đủ lượng hành khách để BRT đạt đủ công suất nên chạy một mình một đường sẽ là lãng phí.", GS.TS Sùa nói.
Vị chuyên gia này cơ bản đồng ý với đề xuất mới đây của sở GTVT Hà Nội về việc có thể thí điểm cho phép một số loại phương tiện khác lưu thông vào làn đường BRT như xe khách cỡ lớn, xe cứu thương, xe chữa cháy, các loại xe công vụ khác. Ngoài ra gợi ý thêm có thể cho xe taxi (loại có mào) di chuyển vào làn đường này.
Tuy vậy, GS.TS Từ Sỹ Sùa thẳng thắn phản đối việc cho xe buýt thường đi cùng làn với BRT bởi hai loại xe này có cách thức di chuyển và đón khách hoàn toàn khác nhau, dễ dẫn tới xung đột giao thông và nguy hiểm cho phương tiện khác trên đường.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết, hiện xe buýt nhanh BRT đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, một phần do làn đường riêng không được phân tách bởi dải phân cách cứng cho toàn tuyến.
Hệ lụy kéo theo là bị các phương tiện khác xâm phạm, cản trở, làm giảm tốc độ lưu thông. Tình trạng này diễn ra lâu nay, gây mất trật tự, an toàn giao thông tuyến đường xe buýt BRT đi qua. Yêu cầu đặt ra là phải xem xét, tổ chức lại theo hướng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho BRT, đồng thời cũng xem xét đến nhu cầu thực tế của một số loại phương tiện khác, đặc biệt với xe cứu nạn, cứu hộ, xe công vụ...
Theo ông Hải, nếu thực hiện, ý tưởng này chỉ là tạm thời và phải tiếp tục điều chỉnh sau khi chất lượng dịch vụ và tần suất BRT được nâng lên theo thiết kế là 3 phút/lượt. Khi người dân đã hình thành thói quen đi theo làn, tình trạng xâm phạm làn ưu tiên giảm đi, BRT sẽ quay trở lại hoạt động như thiết kế ban đầu - là làn ưu tiên chỉ dành cho buýt nhanh.
"Đây chỉ là một đề xuất để thí điểm nhằm tìm ra cách tổ chức giao thông tối ưu, đồng thời hạn chế tối đa việc lấn làn xe buýt BRT. Nếu được phê duyệt chúng ta sẽ tổ chức công khai, minh bạch, đúng đối tượng", Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải khẳng định.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!