Đường rộng, hạ tầng đầy đủ… ùn tắc vẫn liên miên
Trục đường Nguyễn Trãi được đầu tư hạ tầng giao thông gần như tốt nhất trên địa bàn thành phố hiện nay. Mặt đường Nguyễn Trãi được thiết kế rộng từ 5-6 làn xe mỗi hướng. Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chạy dọc trục đường Nguyễn Trãi được đưa vào khai thác từ đầu tháng 11/2021.
Còn nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi được thiết kế 4 tầng lưu thông gồm hầm chui - đường đi thấp - đường trên cao - đường sắt đô thị. Ngoài ra, đường Nguyễn Trãi cũng được bố trí nhiều tuyến xe buýt chạy đi các khu vực của Hà Nội. Dọc tuyến đường còn có nhiều cầu vượt dành riêng cho người đi bộ.
Hạ tầng giao thông đầy đủ là vậy, nhưng nghịch lý cho thấy tuyến đường Nguyễn Trãi có nhiều điểm đen ùn tắc nhất nhì TP Hà Nội. Hướng từ quận Hà Đông vào nội thành, tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi dù phương tiện lưu thông ở 4 tầng khác nhau nhưng đoạn đường trên cửa hầm chui lại thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Cả hai hướng trên đường Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến đoạn qua nút giao này ùn tắc bất kể thời gian nào trong ngày.
Vượt qua được nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi người điều khiển phương tiện lại phải chật vật “bò” lên cầu vượt Ngã Tư Sở. Chị Phạm Thị Thanh (nhà ở Nguyễn Tuân) là giáo viên một trường cao đẳng có trụ sở trên đường Trường Chinh ngày nào cũng phải chịu cảnh ùn tắc khi đi qua nút giao Ngã Tư Sở.
“Tuyến đường từ nhà đến trường khoảng 3km, nhưng có ngày tôi phải hơn 30 phút mới đến được nơi làm việc. Nhiều hôm phải đánh vật hơn một tiếng mới về được đến nhà vì ùn tắc ngay từ cổng trường trên đường Trường Chinh đến Nguyễn Tuân”, chị Phạm Thị Thanh chia sẻ.
Dù hạ tầng được đầu tư đầy đủ, nhưng nhiều năm qua phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi được làm thiếu bài bản. Điều đó khiến ô tô, xe máy, xe buýt mặc sức “tạt ngang, tạt ngửa”. Vào giờ cao điểm, các phương tiện giành giật nhau từng khoảng trống.
Phương tiện đi lại hỗn loạn gây ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Trước tình trạng trên, UBND TP Hà Nội cho phép Sở GTVT thí điểm sử dụng dải phân cách cứng để phân làn giao thông trên một đoạn tuyến đường Nguyễn Trãi trong thời gian 1 tháng (6/8 - 6/9).
Cụ thể, cung đường thí điểm kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra.
Theo phương án đó, 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho ô tô.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội), trục Nguyễn Trãi có đặc thù là làn đường rộng, nhưng đường ngang rất nhiều, lưu lượng giao thông lớn nên việc tổ chức giao thông rất phức tạp.
“Trong bối cảnh lưu lượng giao thông ngày càng tăng, đặc biệt là nhiều ô tô con, thì việc tổ chức lại giao thông trên trục này là cần thiết”, ông Hải nói và cho rằng, điều này sẽ giảm ùn tắc, tăng tốc độ lưu thông trên tuyến đường và đặc biệt là giảm tai nạn.
Trước lo ngại việc lập dải phân cách cứng làm hẹp lòng đường, ông Hải cho rằng, điều quan trọng của biện pháp này là để các phương tiện đi đúng làn, hạn chế ùn tắc.
“Chừng nào không có những biện pháp kể cả hành chính lẫn cưỡng bức, cứ để ô tô, xe máy lưu thông hỗn loạn như hiện nay thì rủi ro va chạm giao thông rất lớn, còn tốc độ di chuyển giảm đi rất nhiều”, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nêu quan điểm.
Để giải pháp chia tách trên đạt hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, lực lượng chức năng cũng cần phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm. Cùng với đó, người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định khi lưu thông trên tuyến này.