“Công ty thu gom rác tại Việt Nam, xử lý, tái chế nhựa. Các sản phẩm làm từ nhựa tái chế đó đã được xuất khẩu đi 12 quốc gia trên thế giới”. Thông tin này được ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, đưa ra tại hội thảo “Hành trình đến nền kinh tế xanh” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức chiều 14/3.
Cũng theo ông Lê Anh, công ty phân loại từ nguồn gom trước khi đưa về nhà máy xử lý tại Long An. Sau quá trình làm sạch nhiều lần, các hạt nhựa thành phẩm được tạo thành phôi, phôi được thổi thành hình dạng các chai nhựa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài sản phẩm nhựa dùng trong ngành hóa mỹ phẩm, công ty đã có sản phẩm dùng cho ngành thực phẩm, đựng nước uống.
Trong năm 2022, đơn vị đã xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ. Ngoài Mỹ, hạt nhựa đủ điều kiện xuất sang châu Âu.
“Trước đây, đa phần hạt nhựa chính phẩm đều phải nhập khẩu. Chúng ta đã có những bước đi đầu tiên, xuất khẩu hạt nhựa tái chế tới các quốc gia trên thế giới. Đây là ngành công nghiệp mới”, ông Lê Anh nói.
Hiện, nhà máy tại Long An của doanh nghiệp có công suất xử lý 30.000 tấn nhựa/năm (dạng chai nước uống bằng nhựa), kế hoạch sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 6 tỷ chai nước.
Năm ngoái, công ty đã tái chế khoảng 1,3 tỷ chai nước tại Việt Nam. Số lượng chai này thay vì dùng 1 lần, chôn lấp hoặc trôi ra biển thì đã được xử lý tái chế lại, xuất khẩu sang Mỹ một phần. Công ty đang là đối tác của các nhãn hàng lớn như: La Vie, Suntory PepsiCo, Unilever, Coca-Cola...
Nói về “kinh tế xanh”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng rác thải xuống đại dương nhiều nhất thế giới. “Chính chúng ta đã hại chúng ta khi mải mê chạy theo tăng trưởng, phát triển và không quan tâm đến môi trường. Cái giá để khôi phục môi trường bị hủy hoại còn lớn hơn rất nhiều so với lợi ích thu được nhưng tác động lên môi trường”, bà nhấn mạnh.
Thống kê từ Bộ TN-MT cho thấy, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong đó, có 0,28-0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Điều đáng nói, việc xử lý rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế.
Trước thực trạng trên, bà Lan cho rằng, bắt tay thực hiện "kinh tế xanh" lúc này tuy trễ nhưng còn hơn không. Nếu không "xanh hóa" nền kinh tế, thế hệ mai sau sẽ trách thế hệ hôm nay về hậu quả để lại.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Võ Tân Thành, người tiêu dùng ngày càng thông thái và khắt khe hơn. Họ đang ủng hộ các trào lưu tiêu dùng xanh, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải nắm bắt sự thay đổi này và đáp ứng.