Loạt tài liệu giải mật cho thấy, Mỹ liên tục cam kết với Liên Xô về việc NATO không mở rộng sang phía đông.
Hãng RT đưa tin, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George H.W. Bush đã nói với người đồng cấp Nga Boris Yeltsin lý do tại sao ông chưa sẵn lòng sử dụng từ trên. Và rằng các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước đã ngăn Washington coi Moscow là "đồng minh".
Hồi đầu tuần này, cơ quan An ninh lưu trữ quốc gia Mỹ đã công bố một loạt biên bản giải mật về các cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Nga trong hơn ba thập niên trước. Sau khi Liên Xô tan rã vào cuối tháng 12/1991, giới lãnh đạo mới của Nga từng hy vọng các đối thủ truyền kiếp trước đây có thể trở thành đồng minh.
Một trong những cuộc gặp như vậy đã diễn ra vào 1/2/1992, tại khu nghỉ của Tổng thống Mỹ ở Trại David, Maryland khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ.
Gần cuối cuộc gặp, người đứng đầu nước Nga hỏi Tổng thống Bush: "Chúng ta có còn là đối thủ không?". "Không, chúng ta không phải", nhà lãnh đạo Mỹ trả lời và nói thêm có một tuyên bố đã được chuẩn bị để "đưa chúng ta khỏi kỷ nguyên cũ". Sau đó, ông Bush đề nghị ông Yeltsin xem qua bản tuyên bố.
Sau khi xem, ông Yeltsin nhận xét: "Trong tuyên bố không nói gì về việc chúng ta không còn là đối thủ và đang tiến tới trở thành đồng minh". "Nó nói lên tình bạn", Ngoại trưởng Mỹ James A.Baker xen vào.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cho rằng bản tuyên bố này nên đề cập tới việc Nga và Mỹ đang chuyển từ giai đoạn đối thủ sang đồng minh. Theo ông Yeltsin, cách diễn đạt đó sẽ thêm "chất lượng" cho thông điệp. Về phần mình, Tổng thống Bush làm rõ rằng chính quyền của ông "sử dụng ngôn ngữ chuyển tiếp vì không muốn hành động như thể mọi vấn đề của chúng tôi đã được giải quyết".
Nhà lãnh đạo Nga cũng đưa ra một loạt đề xuất táo bạo đối với việc cắt giảm vũ khí hạt nhân song ông Bush không đồng ý. Tổng thống Mỹ từ chối loại bỏ các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, vốn là một phần cốt lõi của bộ ba chiến lược của Mỹ. Ý tưởng thiết lập một hệ thống phòng thủ toàn cầu chung của ông Yeltsin cũng không được phía Mỹ đón nhận nhiệt tình.
Bất chấp sự khác biệt về quan điểm, vào thời điểm đó cả hai nhà lãnh đạo đều mô tả cuộc gặp của họ rất tích cực.