Sau bài viết “Đi trên cao tốc như 'đường làng': Vô tư đỗ xe ở làn 120km/h để cãi vã”, VietNamNet nhận được nhiều phản hồi của độc giả.
Nhiều ý kiến phản ánh các trường hợp từ va chạm giao thông, tài xế dừng xe giữa đường to tiếng với nhau, nhẹ thì đường ùn tắc, nặng thì xe đi sau tông trúng.
Vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cách xử lý của các tài xế rất có vấn đề
Đáng nói, trong vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng làm 2 người chết, nhiều ý kiến chỉ rõ kỹ năng, kinh nghiệm xử lý của tài xế xe khách 16 chỗ chưa ổn, thậm chí là thiếu trách nhiệm với hành khách trên xe.
Theo quy định, xe chở khách, xe chạy dịch vụ phải có các nón cảnh báo để khi có sự cố dừng xe phải đặt báo hiệu cho mọi người biết. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ camera trên hệ thống cao tốc, tài xế xe khách đã không đặt nón cảnh báo sau tai nạn ở làn đường 120km/h, mà còn đứng ở làn đường này để tranh cãi.
Chưa hết, nếu muốn giữ nguyên hiện trường để làm rõ phải trái, tài xế phải có trách nhiệm với những hành khách trên xe, không thể để hành khách ngồi trong xe đỗ trên làn đường 120km/h rồi xuống xe tranh cãi.
Một chuyên gia giao thông cũng nhìn nhận, những người tham gia vào vụ tranh cãi, đặc biệt là tài xế xe khách rất thiếu kỹ năng khi tham gia giao thông trên đường cao tốc.
“Tài xế xe khách là lái xe chuyên nghiệp, trên xe bắt buộc phải có thiết bị cảnh báo và phải được tập huấn các kỹ năng xử lý tình huống. Rất tiếc là tài xế này đã gần như không tuân thủ các quy định, thậm chí coi thường tính mạng của bản thân và những người trên xe", vị chuyên gia này nói.
Cũng liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn, trao đổi với PV VietNamNet, ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, cơ quan điều tra đang thụ lý, việc kết luận sẽ thuộc thẩm quyền của đơn vị này.
Tuy nhiên, vụ việc này là lời cảnh tỉnh cho các lái xe, đặc biệt là những người tham gia giao thông trên đường cao tốc. Bởi vì, khi xe hoạt động trên cao tốc, đặc biệt là làn 120km/h rất nguy hiểm nên tất cả các xe khi đã vào làn đường cao tốc (đặc biệt là làn 100- 120km/h) phải tuân thủ nghiêm các quy định về giao thông.
“Tài xế phải hiểu và có trách nhiệm thực hiện đúng, nếu làm sai, không tuân thủ các quy định ở làn cao tốc 120km/h sẽ là mối hiểm họa cho rất nhiều phương tiện và người tham gia giao thông khác. Điển hình là vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra ngày 11/7 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”, ông Bằng chỉ rõ.
Giữ nguyên hiện trường thì phải đặt vật cảnh báo từ xa
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, khi xảy ra tai nạn giao thông phải giữ nguyên hiện trường.
Tuy nhiên, tài xế phải bật ngay đèn cảnh báo, đặt vật cảnh báo như chóp nón, tam giác phản quang… cách nơi xảy ra tai nạn từ 100 - 120m. Sau đó, phải báo cho lực lượng CSGT qua số điện thoại 19008099.
Ngoài ra, tài xế cũng phải đi về sát lề đường cách xe bị tai nạn khoảng 200m dùng vật như áo, khăn… vẫy để báo hiệu cho các xe phía sau biết để giảm tốc độ.
“Trường hợp chỉ va chạm nhẹ, thiệt hại không đáng kể thì tài xế có thể đưa xe vào làn dừng khẩn cấp, thực hiện đầy đủ cảnh báo rồi báo cho lực lượng chức năng”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh, việc giải quyết, xử lý sự cố, va chạm trên cao tốc nói riêng, đường giao thông nói chung là của lực lượng chức năng, các tài xế không tự tranh cãi, giải quyết ở giữa đường.
Cũng từ vụ tai nạn này, ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, có 2 vấn đề đặt ra không chỉ riêng với lái xe khách trong vụ việc mà với tất cả tài xế khi điều khiển xe trên đường cao tốc.
Thứ nhất, khi có tai nạn hoặc va chạm xảy ra, tài xế muốn giữ nguyên hiện trường, việc tối thiểu phải đặt cảnh báo theo quy định nhằm đảm bảo tính mạng cho mình và những người liên quan, người tham gia giao thông khác.
“Đây là những quy định cần phải hiểu và tuân thủ. Đây là thao tác phải làm đầu tiên khi va chạm xảy ra hoặc xe gặp sự cố”, ông Bằng lưu ý.
Thứ hai, lái xe và những người tham gia giao thông trên cao tốc phải đặc biệt lưu ý, cách 1km về phía bên phải đường bao giờ cũng có những biển báo có số hotline.
“Tất cả những số điện thoại đó nhằm mục đích để khi xe gặp sự cố hoặc có vấn đề gì xảy ra trên đường cao tốc, thậm chí người tham gia giao thông nhìn thấy các phương tiện khác hư hỏng và đỗ trên đường cao tốc gây cản trở giao thông thì gọi vào số hotline để thông báo sự việc. Đường dây nóng này được đơn vị quản lý cao tốc trực 24/24h.
Khi tiếp nhận thông tin, đội duy tu đường cao tốc sẽ lập tức tiếp cận vị trí tai nạn hoặc vị trí cần cảnh báo và chịu trách nhiệm cảnh báo, phân làn cho các phương tiện khác đang lưu thông trên đường nhằm tránh gây nguy hiểm.
Một điều đáng buồn, hầu như các lái xe hiện nay không quan tâm đến số hotline này, thậm chí còn không biết số điện thoại đó để làm gì”, ông Bằng nêu.
Ông Bằng đặc biệt lưu ý, khi gặp va chạm giao thông trên cao tốc, phải di chuyển những người trên xe vào vị trí an toàn.
“Trường hợp tai nạn xảy ra ngày 11/7 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là điều rất đáng tiếc, bột phát từ một va chạm nhỏ giữa xe bán tải và xe khách sẽ không gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, tài sản nếu các tài xế biết cách xử lý.
Nhưng việc đứng tranh cãi với nhau trên làn 120km/h là điều đáng trách - không tuân thủ luật lệ giao thông, không tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho chính mình, cho các phương tiện và người tham gia giao thông khác trên cùng tuyến đường đó”, ông Bằng nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng nhấn mạnh, hiện nay việc dựng lại hiện trường không khó, các tài xế có thể chụp ảnh, quay video hiện trường va chạm tại vị trí đó rồi thống nhất đưa phương tiện vào làn khẩn cấp.
“Tài xế cần gọi cơ quan chức năng gần nhất, tránh việc tranh cãi ngay giữa đường cao tốc. Bởi đã là làn cao tốc thì không có việc dừng, đỗ, gây cản trở”, ông Bằng nhấn mạnh.