Chiến lược xanh
Google cam kết vận hành các trung tâm dữ liệu bằng 100% năng lượng tái tạo. Malaysia, với những tiến bộ trong sản xuất năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời, đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Malaysia đặt mục tiêu đạt 31% năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện vào năm 2025, với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.
Các khoản đầu tư vào hạ tầng năng lượng và các chương trình khuyến khích như Malaysia Renewable Energy Roadmap (MyRER) đã và đang thúc đẩy phát triển bền vững, tạo ra một nguồn cung năng lượng tái tạo ổn định và tin cậy.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển năng lượng mặt trời (khí hậu nhiệt đới, nắng quanh năm), các dự án trang trại điện mặt trời quy mô lớn đã và đang được triển khai hàng loạt tại quốc gia này, đặc biệt tại các khu vực phía tây và nam đất nước.
Chính phủ Malaysia cũng khuyến khích lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua chương trình Net Energy Metering (NEM), cho phép sản xuất điện và sử dụng tại chỗ.
Kết quả này đã góp phần tạo điều kiện cho nguồn cung năng lượng ngày càng ổn định.
Các trung tâm dữ liệu yêu cầu nguồn điện lớn và liên tục. Bên cạnh năng lượng mặt trời, thủy điện đang là trụ cột trong chiến lược năng lượng tái tạo của Malaysia, góp phần thu hút sự đầu tư của các gã khổng lồ công nghệ.
Theo các báo cáo chính thức, thủy điện chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản lượng năng lượng tái tạo của Malaysia, khoảng hơn 50% tổng công suất.
Trong đó, các dự án thủy điện lớn như Bakun và Murum tại Sarawak là những nguồn cung chính, đóng góp đáng kể vào hệ thống điện quốc gia.
Việc nguồn năng lượng giá rẻ và ổn định từ thủy điện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng công suất năng lượng tái tạo là điều kiện để giảm giá thành của các dịch vụ số đi kèm.
Chẳng hạn, giá trung bình sản xuất điện bằng thủy điện dao động từ 0,03 - 0,05 USD/kWh (so với 0,06-0,08 USD/kWh của nhiệt điện).
Đây là lợi thế giúp các doanh nghiệp kỹ thuật số Malaysia trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, đồng thời thu hút thêm công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số của nước này.
Vượt trội về hạ tầng số
Trong khi đó, đối với Thái Lan, sự vượt trội về hạ tầng kỹ thuật số với phần còn lại của Đông Nam Á là động lực chủ yếu khiến Google quyết định đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu và đám mây tại Bangkok và Chonburi.
Ngay từ năm 2020, Thái Lan đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong triển khai mạng 5G tại Đông Nam Á. Do đó, họ có lợi thế lớn trong phát triển dịch vụ số tiên tiến như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như các ứng dụng công nghệ cao khác.
Có được kết quả này, trước hết phải kể đến chiến lược chuyển đổi số Thailand 4.0 với mục tiêu đưa nền kinh tế dựa vào công nghiệp và sản xuất trở thành nền kinh tế dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị gia tăng.
Điểm nhấn của chiến lược là thành lập hành lang kinh tế phía Đông (EEC) - khu vực đặc biệt tập trung phát triển công nghệ cao, trong đó có các dự án trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng đám mây.
EEC cung cấp ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5-8 năm, thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ,… hay hỗ trợ cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh Alibaba Cloud, một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu châu Á đã mở trung tâm dữ liệu tại đây, những gã khổng lồ đám mây và máy chủ khác như Google, Amazon Web Services và Microsoft cũng đã công bố những kế hoạch tỷ USD xây dựng cơ sở tại quốc gia Đông Nam Á này.
Hành lang kinh tế phía Đông
Cả Malaysia và Thái Lan đều triển khai các dự án kinh tế đặc biệt có tên tương tự là “Hành lang kinh tế phía đông” (Eastern Economic Corridor - EEC), chiến lược quan trọng nhằm thu hút đầu tư công nghệ và nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi Thái Lan nhấn mạnh phát triển khu vực phía đông với các ưu đãi đầu tư mạnh mẽ cho các lĩnh vực như logistics, công nghệ sinh học, hàng không và điện tử, thì Malaysia tập trung vào phát triển hạ tầng kỹ thuật số và năng lượng tái tạo.
Tùy thuộc vào quy mô đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài có thể được hưởng mức miễn thuế thu nhập từ 5-10 năm tại Malaysia.
Với các công ty được công nhận là “tiên phong” trong lĩnh vực công nghệ, số thuế được miễn có thể từ 70% đến 100%. Điều này đặc biệt có lợi cho các công ty phát triển công nghệ mới hoặc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Bên cạnh đó, EEC Malaysia còn nhiều chính sách ưu đãi thuế đặc biệt cho các nhà đầu tư công nghệ cao, bao gồm cả hỗ trợ chi phí cơ sở hạ tầng, từ đó giảm đáng kể chi phí ban đầu của nhà đầu tư.
Đối với Thái Lan, EEC của họ bao gồm ba tỉnh phía đông là Chonburi, Rayong và Chachoengsao, có vị trí chiến lược gần vịnh Thái Lan và các tuyến đường thương mại chính kết nối với Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN.
Tương tự như Malaysia, chính quyền Bangkok cũng áp dụng ưu đãi thuế và phi thuế đối với các nhà đầu tư (thuế thu nhập, thuế nhập khẩu thiết bị, cơ sở hạ tầng…).
Song, đáng chú ý là việc chính phủ Thái Lan đã hợp tác với các nhà cung cấp viễn thông lớn để phủ sóng 5G toàn bộ khu vực EEC, biến “đặc khu” này trở thành nơi thử nghiệm và triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất và vận hành.
(Theo BusinessToday, CF Blog)