Do mức thuế VAT phải đóng tăng lên, Grab đã tăng giá cước và giảm phần trăm thu nhập của tài xế. Baemin cũng vừa chính thức điều chỉnh biểu giá với lái xe và khách hàng. Tuy nhiên một số ứng dụng như Gojek và Be vẫn chưa có các động thái tương tự.
Tài xế tụ tập trước toà nhà trụ sở Grab hôm 5/12 để phản đối chính sách thu nhập mới. (Ảnh: Hải Đăng) |
Grab chính thức áp dụng mức thuế VAT 10% theo hướng dẫn của cơ quan thuế từ 5/12, thay vì 3% như trước, khiến hàng trăm tài xế GrabBike tụ tập phản đối do thu nhập bị giảm.
Tương tự, ứng dụng giao đồ ăn Beamin cũng vừa thông báo cách tính thuế VAT 10% kể từ 5/12. Do ảnh hưởng từ cách tính mới, thu nhập của tài xế bị giảm.
Cùng với đó, kể từ 5/12, hãng giao đồ ăn Hàn Quốc cũng thu thêm 2.000 đồng trên mỗi đơn hàng của khách, gọi là phí dịch vụ.
Trong khi đó, ứng dụng gọi xe Be trả lời ICTnews cho biết, hiện tại chưa tăng giá cước, đồng thời vẫn giữ mức phí cũ đối với tài xế. Điều này là do Be Group đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải ngay từ ngày thành lập. Với mô hình là công ty vận tải cung cấp ứng dụng công nghệ, Be đóng thuế VAT 10% ngay từ đầu.
Tuy nhiên theo quan sát của PV ICTnews, cách tính thuế của Be hiện đang là 10% trên phần thu nhập lái xe được hưởng sau chiết khấu, chưa phải 10% trên tổng cước khách trả như Nghị định 126.
Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, các hãng xe công nghệ phải thu 10% thuế VAT trên giá cước khách hàng thanh toán. Trước ngày 5/12, mức thuế này chỉ 3% trên phần thu nhập của tài xế sau khi đã trừ chiết khấu với hãng.
Cho đến thời điểm hiện tại, một ứng dụng gọi xe khác là Gojek chưa có động thái điều chỉnh giá. Hãng vẫn áp dụng mức thu hộ thuế 3% VAT như trước.
Trả lời ICTnews, Gojek Việt Nam nói “sẽ có sự điều chỉnh” giá sau khi trao đổi với các cơ quan chức năng. Gojek đồng thời cho rằng, “sẽ tiếp tục phân tích tình hình nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất”.
“Gojek cam kết luôn tuân thủ đúng và đầy đủ mọi quy định pháp luật tại bất kỳ thị trường nào mà Gojek có hoạt động”, hãng gọi xe đối thủ của Grab trong khu vực trả lời.
Tương tự, Be Group cho biết, sẽ chờ đợi thông tư hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế đối với Nghị định 126 để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ các tài xế tuân thủ các quy định pháp luật.
Về lý thuyết, thuế VAT do khách gọi xe đóng. Thuế này cộng vào giá cước khách phải trả, hãng xe trích ra để nộp cho cơ quan thuế. Do bài toán kinh doanh, hãng gọi xe không thể bắt khách hàng chịu hoàn toàn khoản thuế này vì giá cước sẽ tăng lên nhiều. Do đó, Grab đã chọn cách tăng một ít trên giá cước khách phải trả, đồng thời giảm phần trăm thu nhập mà tài xế đối tác được hưởng.
Theo tính toán của Grab, trước 5/12, tài xế nhận được 80% hoặc 76,4% trên tổng cước phí khách trả. Sau 5/12, con số này giảm xuống còn khoảng 73%. Những tài xế GrabBike có thu nhập dưới 100 triệu/năm chịu ảnh hưởng nặng nhất do chính sách thuế mới, do trước đây họ hưởng 80%.
Về phía Baemin, trước 5/12, tài xế nhận được 80% trên doanh thu giao hàng, Baemin thu chiết khấu 20%. Sau 5/12, thu nhập tài xế giảm còn 72,727% trên doanh thu.
Nói với ICTnews, Baemin cho biết, sau áp dụng thuế VAT, các đối tác tài xế của họ có phản ánh về số thuế phải đóng tăng lên. Tuy nhiên hãng cho biết, sẽ tiếp tục duy trì chính sách thưởng cao và vẫn đảm bảo thu nhập của tài xế cạnh tranh.
Các điều chỉnh về thu nhập thường khiến tài xế bức xúc. Hôm qua 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike diễu hành và tụ tập tại các địa điểm tại Hà Nội và TP.HCM để phản đối. Năm ngoái, tài xế hai bánh Grab và Goviet (nay là Gojek) cũng tuần hành với lý do tương tự.
Hải Đăng
Tài xế Grab tiếp tục kéo đến trụ sở ở TP.HCM phản đối chính sách thu nhập
Hàng trăm tài xế diễu hành ở nhiều khu vực tại TP.HCM trước khi tụ tập tại trụ sở Grab ở Quận 7 để phản đối cách tính thu nhập mới.
Grab phản hồi việc tăng mức khấu trừ của tài xế trên mỗi chuyến xe
Grab Việt Nam vừa có những thông tin phản hồi về việc tăng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe kể từ ngày 5/12. Điều này đã gây những phản ứng tiêu cực ở phía các tài xế.