“Anh ơi, em có thể dùng ChatGPT để hỗ trợ viết luận không ạ?”, “Tại sao các trường đại học cho phép học sinh trả 300 triệu đến 1 tỷ đồng cho cố vấn viên tư vấn và hỗ trợ viết luận nhưng lại không cho học sinh nghèo sử dụng ChatGPT?”...
Đây là những câu hỏi mình nhận được liên tục trong hai tháng nay, không chỉ từ các em học sinh Việt Nam mà còn ở Mỹ, Úc, UAE và cả châu Âu.
Phương tiện truyền thông đại chúng ở phương Tây thường nói rằng việc sử dụng ChatGPT cho việc nộp đơn và viết luận đại học tương đối là vô nghĩa vì kỹ năng viết luận của AI không tốt bằng con người. Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh một người từng dạy IELTS và tiếp xúc với nhiều bạn trẻ Việt Nam và học sinh đến từ các quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, kỹ năng diễn đạt vẫn là một rào cản lớn trong quá trình viết luận.
Phải thừa nhận rằng, một phần không nhỏ những bản thảo đầu tiên của học sinh yếu hơn ChatGPT rất nhiều và diễn đạt ngôn ngữ cũng rất không tự nhiên. Ngoài việc viết, lên ý tưởng cũng phải mất cả tuần nếu tự suy nghĩ trong khi ChatGPT có thể ngay lập tức gợi ý tận 10-20 ý tưởng bài luận của các em trong một nốt bấm.
Vì vậy, đôi khi ChatGPT là một "cứu cánh" thật sự trong quan điểm của các em - đặc biệt là các học sinh không có điều kiện tài chính tốt để thuê cố vấn viên hỗ trợ. Mình sẽ trích dẫn quan điểm của các trường và nêu ra quan điểm của mình dưới vai trò là một cố vấn viên.
Ban tuyển sinh các trường nói gì?
Đầu tiên, mình phải nhấn mạnh rằng rất nhiều trường đại học Mỹ đang thu thập dữ liệu theo nhiều cách khác nhau về việc ChatGPT sẽ ảnh hưởng thế nào đến quá trình tuyển sinh.
Có thể bạn chưa biết, hội đồng tuyển sinh tại Georgia Tech đã ‘’giả làm học sinh’’ cả mùa hè để dùng ChatGPT và xem chất lượng luận ra sao. Với Caltech, năm nay, hội đồng tuyển sinh sẽ hỏi bạn có dùng ChatGPT để nộp đơn hay không, để rồi sau đó dùng dữ liệu này và nghiên cứu, đối chiếu với học sinh không sử dụng.
Các trường đại học thật sự "chia phe" liên quan đến việc sử dụng ChatGPT trong quá trình nộp đơn đại học.
Nhóm trường "cấm hẳn, cấm hoàn toàn, một cách nghiêm khắc’ hoặc "phản đối mạnh mẽ" hiện nay gồm có một số nơi như University of Michigan (Law School) và Brigham Young University. Thậm chí, University of Michigan (Law School) và Brigham Young University cũng viết trực tiếp trên trang tuyển sinh và yêu cầu học sinh cam kết không được sử dụng trí tuệ nhân tạo trong bất kỳ bước nào của quá trình viết luận. Theo nguồn tin từ The New York Times, trong một podcast gần đây, 2 nhà tuyển sinh của Yale University cũng gọi sử dụng ChatGPT để viết luận đại học là ''đạo văn''.
Mặt dù số lượng trường đại học trên là không nhiều, mình khuyên mọi người, bất kể nộp đơn bậc cử nhân hoặc thạc sĩ/tiến sĩ, nên cân nhắc tìm hiểu về chính sách tuyển sinh của trường về ChatGPT để tránh bị loại đáng tiếc nếu trường nhận ra mọi người có sử dụng trí tuệ nhân tạo (việc làm sao bị phát hiện có lẽ sẽ thuộc về một chuyện khác).
Một số các trường khác có cái nhìn ít khắt khe hơn. Thay vì nghiêm cấm, họ đăng tải các chính sách khuyến khích mọi người sử dụng ChatGPT một cách "có ý thức và có đạo đức" trong công cuộc viết luận và chuẩn bị hồ sơ của mình. Các trường thuộc nhóm này gồm California Institute of Technology, Georgia Institute of Technology, The University of North Carolina at Chapel Hill, và UCAS (tương tự như Common App của Mỹ - nơi học sinh nộp đơn các đại học tại Anh như Oxford, Cambridge, LSE...).
Mình sẽ trích dẫn việc học sinh được và không được phép làm ở Caltech: 1. Sao chép và dán trực tiếp từ bài viết từ chương trình AI; 2. Dựa vào nội dung do AI tạo ra để phác thảo hoặc soạn thảo một bài luận; 3. Thay thế giọng văn và giọng điệu độc đáo của bạn bằng nội dung do AI tạo ra; 4. Dịch một bài luận viết bằng ngôn ngữ khác.
Đây là một số ví dụ về việc sử dụng AI được chấp nhận trong các bài luận tuyển sinh của Caltech: Sử dụng các công cụ AI, như Grammarly hoặc Microsoft Editor, để xem lại ngữ pháp và chính tả của bài luận đã hoàn thành của bạn; Tạo câu hỏi hoặc bài tập để giúp bắt đầu quá trình lên ý tưởng luận; Sử dụng AI để nghiên cứu quá trình nộp đơn vào đại học.
Hướng dẫn từ UCAS và các đại học ở Anh Quốc nói chung nêu rõ các bạn học sinh có thể và nên sử dụng ChatGPT để: Lên ý tưởng cho bài viết; Trợ giúp về xây dựng dàn ý; Sử dụng nó để kiểm tra khả năng diễn đạt của bài luận.
Ta có thể thấy nhìn chung các trường cho phép sử dụng ChatGPT để lên ý tưởng bài luận và sửa ngữ pháp. Tuy nhiên, có trường cho phép và trường sẽ không cho phép bạn dùng ChatGPT để lên dàn ý. Gần như không trường nào đồng ý việc dùng ChatGPT để viết chi tiết nội dung bài luận là "có đạo đức".
Góc nhìn thứ ba cũng được một số tuyển sinh viên đưa ra: “ChatGPT giúp việc tuyển sinh trở nên công bằng hơn vì không phải ai cũng có nhiều tiền để thuê những gia sư cố vấn hỗ trợ viết luận”.
Đây là một điểm nhìn thú vị vì hiện nay chi phí hỗ trợ sửa chữa một bài luận ở Việt Nam giao động từ 5 triệu đến 70 triệu cho một trường Ivy League và chi phí thuê cố vấn viên giao động từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng cho xấp xỉ 10 trường đại học tại Hoa Kỳ.
Góc nhìn này được chia sẻ bởi một số giáo sư và giám đốc tuyển sinh tại UC Santa Barbara, Georgia Tech, Arizona State University Law School và Virginia Tech. Tuy nhiên góc nhìn này vẫn chỉ thuộc thiểu số và chưa có bất kỳ đại học nào thật sự có cái nhìn cởi mở với việc sử dụng ChatGPT theo kiến thức của mình.
Sự bắt đầu hành động, nghiên cứu và đưa ra các chính sách mới về ChatGPT trong tuyển sinh đại học cho thấy các trường đã bắt đầu để ý và tránh sự lạm dụng của học sinh trong quá trình nộp đơn đại học. Mình nghĩ các bạn học sinh 10, 11 năm nay nên chuẩn bị tinh thần với những chuyển biến sắp tới.
Nếu không bị cấm, liệu ChatGPT có thật sự là "tấm vé vàng" khi nộp đơn đại học Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung?
Ở quan điểm của mình, ChatGPT có thể là một sự hỗ trợ tốt cho các bạn học sinh nộp vào các quốc gia với bài luận không yêu cầu cao về sự sáng tạo (như Anh, Hà Lan, Pháp...) nhưng lại cực kỳ "vô dụng" khi nộp đơn vào các đại học yêu cầu bài luận mang tính sáng tạo như Hoa Kỳ.
Là một người đã hỗ trợ tư vấn học sinh qua mùa tuyển sinh kể từ khi ChatGPT ra mắt, mình thấy ChatGPT là một ứng dụng tốt để sửa ngữ pháp và sắp xếp ý đơn giản, đặc biệt là khả năng sửa ngữ pháp của nó.
ChatGPT thể áp dụng được (áp dụng được không có nghĩa là nên làm hoặc không bị cấm):
Thứ nhất, ChatGPT hiện tại có thể sửa ngữ pháp: Khác với Grammarly khi ta phải sửa từng từ một, ChatGPT có thể sửa toàn bộ ngữ pháp bài luận ngay lặp tức. Tuy nhiên, các bạn học sinh chỉ nên dừng lại ở sữa ngữ pháp chứ không nên bảo ChatGPT sửa diễn đạt hay từ vựng, vì nó sử dụng từ vựng cực kỳ cứng nhắc và nhiều khi sai ngữ cảnh.
Thứ hai, ChatGPT hiện tại có thể lên ý tưởng và cấu trúc bài luận đơn giản: Những dạng luận tại sao chọn chuyên ngành này (Why major) của một số đại học Mỹ và các trường đại học ở châu Âu có cấu trúc đơn giản và rõ ràng. Mình thấy ChatGPT đôi khi hiệu quả trong việc bạn đưa cho nó chiếc CV và yêu cầu kết nối các thông tin lại thành một bài luận.
Khi đó, ChatGPT sẽ cho chúng ta một cấu trúc khá ổn để bắt đầu "nâng cấp" nó lên. Tuy nhiên, ứng dụng này rất hên xui và bài luận đưa ra thật sự rất yếu. Học sinh nhất định phải tự mình chỉnh sửa lại. Bởi nếu nộp thẳng bài luận này, dù trường không cấm, họ cũng không nhận vì chất lượng không đạt.
ChatGPT không thể làm được:
Thứ nhất, ChatGPT hiện tại không thể làm được những dạng bài yêu cầu sự sáng tạo cao thường thấy ở các trường đại học lớn như Harvard, Stanford, Amherst hay UChicago. Bản chất của ChatGPT là dựa trên sự học hỏi của các dữ liệu có sẵn và cách viết cực kỳ cứng nhắc và thiếu hồn. Nó thật sự rất yếu trong việc viết luận sáng tạo.
Thứ hai, ChatGPT hiện tại không thể nghiên cứu trường đại học giúp cho bạn. Khi nộp đơn vào đại học nói chung (cả bậc cử nhân và sau đại học), việc học sinh giải thích vì sao mình và trường phù hợp với nhau qua các câu chuyện cụ thể, các chương trình học cụ thể, các nghiên cứu cụ thể của giáo sư nhà trường là một yếu tố tạo nên sự thành công và khác biệt giữa ứng viên và các học sinh còn lại.
ChatGPT không được cập nhật các thông tin mới từ năm 2021 nên sẽ rất dễ đưa ra tin giả và sẽ ảnh hưởng xấu (rất xấu) đến hồ sơ của ứng viên.
Thứ ba, ChatGPT hiện tại không thể thay thế cố vấn viên trong việc tư vấn toàn bộ quá trình nộp đơn đại học. Các kiến thức mà ChatGPT có và lời khuyên của nó rất là chung chung và không cá nhân hóa cho từng học sinh.
Nó cũng không được cập nhật các quy định và chính sách tuyển sinh mới nhất của các trường đại học, vì vậy học sinh không nên sử dụng ChatGPT như một cố vấn du học nhằm tránh tiếp nhận các thông tin sai lệch trong quá trình nghiên cứu trường, chuẩn bị hồ sơ tài chính và các giấy tờ pháp lý khác.
Học sinh nên làm gì?
Lời khuyên thật sự tốt nhất lúc này vẫn là thay vì học cách dùng ChatGPT, các em nên tự mài dũa kỹ năng viết luận chính, luận phụ của mình.
Các em có thể học qua các khóa học creative writing trên Coursera và thử ứng dụng các kỹ năng vào việc nộp đơn một số học bổng trại hè, giải thưởng học sinh - sinh viên, các cơ hội thực tập khác... Việc tự thân luyện tập kỹ năng viết của mình và nộp đơn vào các hoạt động kể trên sẽ giúp các bạn viết tốt hơn và có thêm cơ hội xây dựng hồ sơ.
Học sinh cũng nên tìm đến các anh, chị đi trước để được định hướng tốt hơn - tốt nhất là các anh chị viết luận tốt và có kinh nghiệm tư vấn du học. Họ sẽ giải quyết được các khuyết điểm ChatGPT không làm được, như nghiên cứu về trường giúp học sinh và hỗ trợ các bạn lên bài luận sáng tạo tốt hơn.
Trần Anh Khoa