Với sự tiến bộ của công nghệ ô tô, động cơ tăng áp có dung tích nhỏ đang dần trở thành tiêu chuẩn trên những mẫu xe ngày nay. Nhiều hãng xe lựa chọn công nghệ động cơ tăng áp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt, tạo ưu thế tiết kiệm nhiên liệu mà vẫn đảm bảo sức mạnh động cơ không bị suy giảm quá nhiều.

Nếu như động cơ hút khí tự nhiên có giới hạn vòng tua máy từ 5.000-7.000 vòng/phút thì bộ turbo của động cơ tăng áp có thể đạt được tốc độ quay từ vài chục ngàn, thậm chí lên tới 150.000 vòng/phút. Chính vì vậy, với mỗi công nghệ động cơ, các nhà sản xuất ô tô đều có những yêu cầu riêng và người sử dụng cần tuân thủ.

4243_m157_turbo_upgrade_3_1.jpg
Động cơ tăng áp đem lại nhiều ưu điểm nhưng người dùng cũng cần phải chú ý hơn khi sử dụng. Ảnh: Power Turbo

Tuy nhiên, khi lái những chiếc xe ô tô trang bị động cơ tăng áp trên đường trường, ít người biết đến một nguyên tắc rằng, không nên tắt đột ngột động cơ tăng áp sau khi vừa di chuyển quãng đường dài. Điều này liên quan đến cơ chế lưu chuyển của dầu động cơ.

Hiện nay, tất cả các loại xe được trang bị động cơ tăng áp đều sinh ra nhiệt rất lớn và nhiệt độ này đều được hấp thụ vào dầu động cơ. Vì vậy, dầu động cơ như là một chất làm mát lưu chuyển trong suốt quá trình xe hoạt động, có tác dụng tản nhiệt và ngăn ngừa hư hỏng cho ổ trục chính.

Do đó, khi tắt động cơ đột ngột, dầu động cơ không còn lưu chuyển bên trong động cơ. Lượng dầu chỉ tiếp xúc cục bộ tại chỗ với những vị trí động cơ đang rất nóng sẽ làm cho chất lượng dầu bôi trơn động cơ bị giảm. Điều này khiến dầu động cơ không còn đủ đảm đương công việc bôi trơn trong điều kiện làm việc khắc nghiệt của động cơ tăng áp, từ đó dẫn tới hư hỏng động cơ.

Giải pháp để bảo vệ động cơ tăng áp khỏi mọi hư hỏng là sử dụng chế độ chạy không tải từ 2-3 phút sau khi cho xe dừng đỗ. Như vậy, động cơ tăng áp được bôi trơn hoàn toàn và không thải ra nhiều khí thải độc hại.

động cơ tăng áp BMW.jpg
Động cơ tăng áp thường tạo ra nhiệt độ cao hơn so với động cơ hút khí tự nhiên. Ảnh: BMW

Việc để động cơ xe chạy không tải còn cho phép cả dầu động cơ và chất làm mát đi qua phần trung tâm của động cơ tăng áp. Ngoài ra, người lái cũng có thể chọn lái xe ở vòng tua máy thấp hơn trong vài km cuối để giảm nhiệt độ cho động cơ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cùng cần áp dụng cách làm trên. 

Trong điều kiện lái xe bình thường như lái xe trong thành phố, tốc độ trung bình, xe không chịu tải nặng, việc tắt động cơ tăng áp đột ngột sẽ không xảy ra rủi ro như trên.

Đặc biệt, nếu xe của bạn sử dụng động cơ tăng áp tiên tiến được trang bị hệ thống làm mát, cơ chế tản nhiệt sẽ được duy trì tốt ngay cả sau khi động cơ đã tắt.

Ngoài ra, những lưu ý cơ bản để kéo dài tuổi thọ của động cơ tăng áp vẫn là việc thay dầu động cơ cần được quan tâm và thực hiện theo đúng lịch trình bảo dưỡng của nhà sản xuất. Các chủ xe cần sử dụng loại dầu chất lượng cao, đúng quy chuẩn kỹ thuật để tránh hư hỏng phát sinh.

Theo CarFromJapan

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Sử dụng xe có động cơ turbo tăng áp, nên nhớ những điều nàyĐộng cơ turbo tăng áp xuất hiện ngày càng nhiều trên những dòng xe phổ thông với khả năng tiết kiệm nhiên liệu mà vẫn đảm bảo hiệu suất. Thế nhưng, không phải ai cũng nắm rõ những nguyên tắc mà nhà sản xuất khuyến cáo khi sử dụng loại động cơ này.