Với những người mới lái, thậm chí là cả những người lái lâu năm, tranh luận về việc lái xe trên đường cao tốc có khó hơn trên đường phố hoặc đường trường hay không vẫn chưa có hồi kết.
Để hiểu được lý do tại sao nhiều người cho rằng lái xe trên đường cao tốc lại khó hơn khi lái xe trên đường phố, trước tiên, bạn cần biết về cách thức hoạt động của đường cao tốc và đường phố.
Đường cao tốc là loại đường được thiết kế dành cho xe cơ giới được phép vận hành ở tốc độ cao (80-120 km/h), có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, bảo đảm giao thông liên tục, chỉ cho xe ra vào ở những điểm nhất định.
Ngược lại đường phố nằm trong các khu vực đô thị, ngoại ô và được thiết kế dành cho tất cả các loại xe và người đi bộ, có nhiều đường giao nhau và có giới hạn tốc độ thấp hơn (dưới 60 km/h).
Tính năng | Đường cao tốc | Đường đô thị |
Lưu lượng giao thông | Lưu lượng xe lớn, dòng chảy liên tục, ít giao lộ | Lưu lượng xe thấp hơn, việc dừng đỗ và di chuyển thường xuyên |
Cấu trúc làn đường | Nhiều làn đường cho các tốc độ và hướng khác nhau, làn đường cho xe có nhiều người ngồi (HOV) | Ít làn đường hơn, thường là giao thông hai chiều |
Giới hạn tốc độ | Giới hạn tốc độ cao (Từ 80-120 km/h) | Giới hạn tốc độ thấp (50-60 km/h) |
Các lối ra, vào | Yêu cầu lối ra, vào pải chú ý cẩn thận | Lối ra, vào đơn giản hơn |
Mật độ giao thông | Thông thoáng, ít tắc nghẽn | Có thể gặp tình trạng tắc nghẽn vào giờ cao điểm |
Ô nhiễm tiếng ồn | Ồn hơn do lưu lượng xe và tốc độ giao thông cao | Yên tĩnh hơn do lưu lượng xe và tốc độ giao thông thấp |
Đỗ xe | Có chỗ đỗ hạn chế | Dễ dàng đỗ xe hơn |
Khả năng tiếp xúc | Ít tiếp cận với người đi bộ và xe đạp | Người đi bộ và xe đạp là một phần trong giao thông đô thị |
Tuy nhiên, nhiều người vẫn sẽ lầm tưởng lái xe trên đường cao tốc sẽ dễ dàng và nhàn nhã hơn vì được chạy đều ở tốc độ cao, không phải lo đường cắt ngang, ít tắc đường và không có các phương tiện xe hai bánh.
Nhưng thực tế lại không như vậy, bạn có thể nhận thấy những vụ tai nạn giao thông thảm khốc thường xảy ra trên đường cao tốc hoặc đoạn đường cho phép chạy ở tốc độ cao. Điều này chủ yếu là vì việc duy trì điều khiển xe chạy đều ở tốc độ cao liên tục sẽ khiến người lái nhanh mệt mỏi, từ đó dẫn đến sự mất tập trung.
Ngoài ra, việc dừng đỗ trên cao tốc bị hạn chế, thậm chí còn là hành vi vi phạm an toàn giao thông nên nhiều người lái thường cố gắng đi đến các trạm dừng nghỉ trong tình trạng thiếu tỉnh táo.
Bên cạnh đó, tuân thủ làn đường là điều tối quan trọng khi đang lái xe trên đường cao tốc. Vì các phương tiện di chuyển với tốc độ cao nên việc chuyển làn đột ngột hoặc chạy sai làn có thể dẫn tới những tình huống tai nạn nguy hiểm.
Việc ra khỏi đường cao tốc cũng đòi hỏi người lái phải tập trung để theo dõi thông tin trên biển thông báo, giảm tốc độ một cách nhẹ nhàng khi chuyển từ làn xe chạy nhanh sang lối ra bên ngoài có tốc độ chậm hơn. Cách nhập vào làn trên đường cao tốc cũng tương tự như vậy.
Điều này phức tạp hơn so với việc chuyển hướng hay rẽ khi lái xe trong đô thị, nơi tốc độ thường thấp hơn và có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho động tác này.
Cuối cùng, trong điều kiện thời tiết bất lợi, việc lái xe trên đường cao tốc trở nên khó khăn hơn do tốc độ cao hơn và chịu tác động lớn hơn của các yếu tố như gió, mưa hoặc sương mù.
Vì thế, lái xe trên đường cao tốc luôn đòi hỏi sự chuẩn bị và thận trọng hơn. Còn trong đô thị, xe chạy với tốc độ chậm hơn và dừng lại thường xuyên có thể giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn trong những điều kiện như vậy.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!