Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tổ chức tọa đàm với chủ đề Sách: Nhận thức - Sáng tạo - Đổi mới.
Sự tự bằng lòng 'giết chết' chúng ta
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan trăn trở: “Tôi sợ nhất mỗi người chúng ta nói từ "đủ": đủ cơm ăn áo mặc, đủ kiến thức... Tôi hay nói kiến thức học trên ghế nhà trường là của ngày hôm qua, ngày hôm nay nó đã khác rồi, ngày mai lại càng khác hơn. 5 năm sau không biết sẽ như thế nào nữa. Thế giới, tri thức của nhân loại sẽ phát triển đến mức độ nào? Do đó không cách nào khác là phải học. Sự tự bằng lòng sẽ giết chết chúng ta, làm chậm đà phát triển chung của xã hội, đất nước”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhận định, người nông dân là trung tâm của nông nghiệp và nông thôn, phải có tri thức mới thay đổi được. Bộ NN-PTNT đã và đang triển khai nhiều chương trình để thực hiện tri thức hóa nông dân, hình thành những không gian đưa tri thức đến với họ. Đây chính là hành trình thay đổi tư duy của người lãnh đạo, của các nhà khoa học để tri thức hàn lâm đi vào cuộc sống.
"Muốn thay đổi tư duy của người lãnh đạo và đội ngũ phải xây dựng văn hóa đọc, văn hóa học tập của tổ chức. Chúng ta hãy lấy tri thức của người khác qua những trang sách để làm giàu, nhân lên và chia sẻ nó. Cả cộng đồng, xã hội, một đơn vị cùng chia sẻ tôi nghĩ chúng ta sẽ hạnh phúc lắm, trù phù lắm!”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
TS Giản Tư Trung - Chủ tịch sáng lập học viện quản lý PACE chia sẻ mô hình 5 bước: xác định cương vị của mình trong tổ chức; làm rõ công việc phải thực hiện khi ngồi ở cương vị đó; xác định cần có năng lực gì để làm tốt công việc; học gì để có được năng lực này; mình sẽ đọc gì?
“Tại vì sự đọc sẽ đi theo sự học, sự học đi theo năng lực, năng lực đi theo công việc, mà công việc sẽ đi theo cương vị. Khi mà xác định sự học, sự đọc rồi thì đọc sách gì cũng dễ dàng”, TS Giản Tư Trung giải thích.
TS Giản Tư Trung muốn gọi tên Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam là Ngày Tết đọc sách của người Việt.
Ông suy luận: "Mỗi năm chúng ta có ít nhất một ngày để suy tư về dân trí của chính mình, gia đình, tổ chức và xa hơn nữa là dân trí của dân tộc. Không có ngày Tết nàynhiều khi không có cớ để nghĩ về nó, đơn giản là sẽ không có tọa đàm hôm nay. Giống như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, nếu nghĩ rằng mình biết nhiều, đó là cái bẫy. Tại sao một đất nước 100 triệu dân, ngành xuất bản cũng rất phát triển nhưng trung bình mỗi người dân chỉ đọc 1, 2 cuốn ngoài sách giáo khoa? Đó chính là điều chúng ta phải suy ngẫm”.
Sách ở trong nhà trường quá ít
Chia sẻ văn hóa đọc đến bà con nông dân, đọc sao để đáp ứng được tình trạng thành thị hóa hiện nay là trăn trở của TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL).
“Sự phát triển của khoa học công nghệ có thể tác động đến tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó có việc đọc, thay vì giở cuốn sách ra bây giờ các bạn trẻ hướng tới dùng điện thoại thông minh, máy tính. Xu thế đọc nhanh và xem lướt khá phổ biến”, bà Ngà nêu thực trạng.
Tuy nhiên, TS Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định, không phải đối tượng nào cũng đọc lướt, tra những thứ mà mình muốn biết trên Google, vẫn có nhiều người rất muốn đọc. Phát triển việc đọc bao giờ cũng là vấn đề đúng người, đúng nơi và tùy vào hoàn cảnh cụ thể.
“Hiện nay ở nông thôn, sách ở trong nhà trường quá ít, sách ở trong thư viện công cộng cũng không nhiều, phải làm thế nào đây? Tôi nghĩ, giải pháp là song hành, ngoài tài liệu in phải có cả tài liệu số mới đáp ứng yêu cầu”, TS Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ.