Văn hóa truyền thống của Trung Quốc coi cái chết là sự pha trộn giữa sợ hãi và xui xẻo. Vì vậy, hẳn là điều đáng ngạc nhiên khi nhiều thanh niên Trung Quốc tự nguyện tìm kiếm việc làm trong ngành này những năm gần đây, bất chấp sự kỳ thị liên quan.
Một báo cáo vào năm 2019 cho thấy hơn một nửa số nhân viên nhà xác ở thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây sinh sau năm 1980.
Trong một số trường hợp, đó là vấn đề lợi ích cá nhân. Một cô gái 27 tuổi mà chúng tôi phỏng vấn nói rằng cô ấy chọn công việc này một phần vì cô ấy không thích giao tiếp xã hội.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn thực sự của các công việc trong nhà xác nằm ở các phúc lợi xã hội. Mặc dù lương của những người này nói chung là thấp - hiếm khi họ kiếm được hơn 5.000 nhân dân tệ (775 USD) mỗi tháng, nhưng công việc này thường đi kèm với các lợi ích như được đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm quốc gia, được trợ cấp nhà ở và bữa ăn. Và quan trọng nhất là có việc làm suốt đời.
Tại nhà xác nơi chúng tôi tiến hành nghiên cứu, gần một nửa số nhân viên đã được hứa hẹn cho các vị trí biên chế.
Nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi với lịch làm việc dày đặc, sự cạnh tranh khốc liệt và sự cạnh tranh về tuổi tác trong khu vực tư nhân của đất nước. Khi bị đẩy ra ngoài ở tuổi 35 vì “quá già”, thì một công việc dân sự ổn định với thời gian làm việc hành chính sẽ trở nên rất hấp dẫn, ngay cả khi bản thân công việc đó có thể khiến bạn chán nản.
Thật vậy, công việc này thực sự hấp dẫn, vì các công việc trong nhà xác ít cạnh tranh hơn nhiều so với các ngành khác.
Trong khi đó, để chống lại sự kỳ thị liên quan đến công việc của họ, những người này thường xem công việc của mình như một thứ gì đó có ích cho cộng đồng, với hy vọng truyền cho nó những giá trị tích cực. Một nhân viên 36 tuổi nói với chúng tôi: “Tôi xem công việc của mình là phục vụ mọi người. Khi thấy mọi người khóc lóc đau buồn, tôi muốn họ rời khỏi đó với một cảm giác hài lòng”.
Một bộ tro cốt được đưa ra khỏi nhà xác ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, năm 2019. |
Những người theo đuổi công việc này tập trung vào những khía cạnh không bị kỳ thị trong công việc của họ.
Một người nói với chúng tôi rằng, công việc của anh là một cách tốt để thu hút sự chú ý của phụ nữ tại các quán bar. “Có một cô gái liên tục hỏi tôi liệu công việc của tôi có đáng sợ không và tôi bực mình đến mức nói với cô ấy rằng: ‘Người sống còn đáng sợ hơn người chết'. Sau đó cô ấy rất si mê tôi. Cô ấy nói với mọi người về việc tôi từng trải, và tôi hiểu biết ra sao khi trả lời như vậy".
Một nhân viên 29 tuổi khác chia sẻ: “Một số người nói rằng chúng tôi tính phí cao và kiếm được nhiều tiền. Nhưng chúng tôi tính phí theo quy định của chính phủ. Chính phủ trả lương cho chúng tôi và chúng tôi báo cáo tài chính hàng tháng”.
“Họ bảo: 'Chắc anh phải kiếm được ít nhất 30.000 tệ/ tháng. Nếu không thì ai đi làm công việc này'. Ba mươi nghìn tệ ư? Nếu thực sự được trả cao như vậy, có thể sẽ không đến lượt tôi”.
Việc giới trẻ Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn tới những công việc trong ngành tang lễ cho thấy sự mờ nhạt dần của những điều cấm kỵ về cái chết. Một phần là do kiến thức về chủ đề này ngày càng nhiều hơn. Nhưng hơn thế nữa, nó phản ánh những thách thức và rủi ro mà thế hệ hiện tại phải đối mặt.
Khi người trẻ ngày càng được kỳ vọng phải có trách nhiệm lớn hơn với bản thân và gia đình, cuộc sống trong nhà tang lễ có thể là một công việc khó khăn, nhưng đó là nguồn thu nhập đáng tin cậy trong một thế giới ngày càng cạnh tranh.
Đăng Dương (Theo Sixth Tone)
Làm nghề thử đồ cho người chết, cô gái trẻ bị dèm pha
Tốt nghiệp đại học, Fang Fang quyết tâm gắn bó với công việc trang điểm, chọn trang phục cho người chết.