Theo Bulgarianmilitary, tờ Die Welt của Đức mới đây đã có bài viết lý giải về việc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 không đem lại quá nhiều hiệu quả trong chiến dịch phản công của Ukraine.
"Leopard 2 là xe tăng với những công nghệ hàng đầu của phương Tây. Nhiều người kỳ vọng hỏa lực vượt trội và khả năng phòng thủ ấn tượng của chiến xa này sẽ giúp Ukraine tạo ra đột phá. Tuy vậy, sau hơn 4 tháng phản công, sự hiện diện của Leopard 2 tại tiền tuyến đã giảm dần", Die Welt cho biết.
Tờ báo Đức nhận định, lý do đầu tiên khiến Leopard 2 không thể hiện được mình ở Ukraine là do chiến thuật. Quân đội Ukraine thường phải dùng xe tăng này làm thay nhiệm vụ của các hệ thống pháo tự hành do không có sự hỗ trợ từ trên không.
Các chỉ huy của Kiev cũng phàn nàn về chiến thuật của phương Tây, và nhận thấy việc xuyên thủng phòng tuyến của Nga không phụ thuộc vào xe tăng, mà cần một cách tiếp cận hợp lý hơn.
Một nguyên nhân khác dẫn tới sự kém hiệu quả của Leopard 2 là địa hình và khí hậu của Ukraine. Các bãi lầy lớn tại tiền tuyến sẽ hạn chế đáng kể khả năng di chuyển của xe tăng, và tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi mùa mưa tới.
Chuyên gia quân sự Victor Litovkin chia sẻ, Leopard 2 nặng hơn xe tăng của Nga gần 20 tấn, nên dễ bị sa lầy hơn. Bên cạnh đó, khi di chuyển qua các bãi lầy, bùn sẽ lọt vào nhiều bộ phận khác nhau của xe tăng, khiến hiệu suất động cơ giảm sút hay thậm chí là hỏng hoàn toàn.
Loại bỏ bùn ra khỏi xe tăng là một công việc tốn nhiều thời gian và không hề đơn giản. Binh lính Ukraine cần dùng tới các thiết bị chuyên dụng để rửa bùn ở những vị trí khó tiếp cận, có trường hợp họ phải cạo bùn ra khỏi bánh răng một cách thủ công.
Khi băng qua bãi lầy, xe tăng Leopard 2 không thể di chuyển nhanh và thậm chí có thể bị mắc kẹt. Khi đó, loại xe tăng này sẽ trở thành mục tiêu "dễ dàng" cho các hệ thống pháo tự hành và UAV của Nga.
Thống kê của Forbes cho biết, kể từ khi khởi động chiến dịch phản công, Ukraine đã mất 5 xe tăng Leopard 2, cùng với đó là 10 chiếc bị hư hỏng ở nhiều mức độ khác nhau.