W-nh243m-thanh-ni234n-khoi-nghiep-o-kh225nh-h242a-1.jpg
Dưới chân đèo Phượng Hoàng được phủ màu xanh sau khi nhóm trẻ khởi nghiệp.

NHỮNG THANH NIÊN TRỞ VỀ TỪ ISRAEL LÊN NÚI LÀM NÔNG NGHIỆP

Dưới chân đèo Phượng Hoàng ở thị xã Ninh Hòa là vùng đất nằm trong thung lũng Suối Mơ, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa - nơi tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk. Nơi này trước đây vốn là vùng đất khô khốc, bụi và gió, chủ yếu trồng mía đường, mỗi năm canh tác một vụ.

Giữa những cằn cỗi đó, nhiều năm qua, khu đất rộng hàng chục ha hiện lên như một hệ sinh thái xanh với vườn tược xanh mướt với đủ loại cây cỏ, hoa lá, rau xanh, cây ăn quả, thảo dược... và cả những đàn cừu, dê, hươu, nai, đà điểu... thành nông trại "The Moshav Farm".

Ít ai có thể ngờ, vùng đất vốn là ‘chó ăn đá, gà ăn sỏi’ ấy được xây dựng thành nông trại bao bọc với thiên nhiên được Nguyễn Mạnh Tiến, 29 tuổi, cùng ba người bạn đã bỏ tiền của và công sức cải tạo.

Quê Nghệ An, Tiến học ngành Quản trị thương hiệu tại Trường Đại học Thương mại (Hà Nội). Tốt nghiệp, Tiến làm nhiều việc ở các mức lương khác nhau, thậm chí còn thử sức trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi cửa hàng trà sữa. Sự chăm chỉ, nhiệt huyết đã giúp cậu gặt được thành quả tốt. Song chàng trai vẫn muốn tìm động lực trong công việc, rồi trở thành “nông dân”. Chàng trai còn có thời gian tu nghiệp tại Israel.

Nói về việc chuyển hướng “nông dân”, rồi chọn vùng đồi núi bạc màu, nắng gió ở thị xã Ninh Hòa, Tiến cười hiền, bảo đấy là cái duyên.

Vài năm trước, Tiến tình cờ gặp Nguyễn Tả Đông (33 tuổi, Đắk Lắk), tốt nghiệp ngành Ngoại thương ở TP.HCM. Cả hai có điểm chung là đam mê nông nghiệp. Họ nói với nhau nhiều điều về lý tưởng, về ý niệm muốn tăng giá trị nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới và từng mạnh dạn nghỉ việc ở công ty với mức lương 20 triệu đồng để tìm lối đi riêng.

W-img-7401-1.jpg
Tiến (bên phải) cùng Thông trước khuôn viên ký túc xá. 

Ký túc xá cùng thư viện sách bên trong nông trại.

Không chỉ có Tiến, Đông mà hành trình khởi nghiệp còn có sự đồng hành của cả Trương Hoàng Nam (29 tuổi, quê Đồng Tháp) và Phạm Minh Thông (28 tuổi, quê Bến Tre), đều là những người theo học tại Agrostudies - Israel - đất nước được xem là đất đai khô cằn, bạc màu, song nông nghiệp công nghệ cao phát triển, năng suất vượt trội với nhiều cánh đồng lớn.

Cả nhóm hẹn nhau sau khi về nước sẽ quyết định cùng khởi nghiệp theo hướng áp dụng mô hình nông nghiệp Israel.

Về Việt Nam, những bạn trẻ rong ruổi nhiều nơi tìm hiểu điểm đầu tư. Cuối cùng, họ chọn vùng đất dưới chân núi Phượng Hoàng ở xã Ninh Thượng, nơi có khí hậu khá khắc nghiệt, khô nóng, đất đai bạc màu nhưng lại có quỹ đất lớn, giá mua phù hợp, gần nguồn nước, giao thông thuận lợi, phần khác là người dân vùng này còn khó khăn.

Với số tiền tích cóp, nhóm bạn trẻ mua 10ha đất, rồi đặt tên là nông trại “The Moshav Farm” vào năm 2018. Sau những nỗ lực, từ 10ha ban đầu, họ cần mẫn làm việc, tư duy đầu tư, cải tạo những héc ta đất bạc màu, trước kia chỉ trồng mía. Thay vào đó, vườn tược và loại cây khác nhau được trồng bằng công nghệ cao, phủ một vùng xanh.

 Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ về hành trình khởi nghiệp.

BẮT ĐẤT HOANG 'ĐẺ' RA TIỀN

Ngày nào cũng vậy, công việc của Tiến và các cộng sự khá tất bật. Trên chiếc máy cày, anh rong ruổi khắp nông trại, kiểm tra đàn cừu, nhung hươu, vườn tược rồi tỉ mẩn đóng gói sản phẩm nông sản,... chuẩn bị gửi đi cho khách sử dụng.

Tiến nhớ lại, hồi năm 2018, vùng đất này còn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Nhóm lập đề án phân từng khu vực chăn nuôi, trồng cây ăn quả, dược liệu; chế biến sản phẩm, khu rau củ quả... Nhiều loại nông sản giá trị cao như dừa xiêm lùn, bưởi, nho... phát triển.

Định hướng ban đầu của The Moshav Farm được các bạn trẻ xây dựng theo mô hình nông nghiệp sạch, kết hợp du lịch sinh thái và ứng dụng tối đa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Khu cây trồng được đánh dấu bằng số để quản lý trên máy tính. Hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, bón phân tự động. Nhân sự ít, họ phân chia khu vực chăm sóc, quản lý cây trồng cho từng người. Kết quả công việc được báo cáo mỗi ngày, theo dõi trên phần mềm quản lý. Đối với cây trồng thì áp dụng hình thức chăm sóc bằng phân hữu cơ, nguồn nguyên liệu có sẵn ở khu chăn nuôi nông trại và các hộ dân, theo hướng nông nghiệp sạch.

Hệ thống trang trại chăn nuôi cùng những hàng dừa xanh mướt.

W-nh243m-thanh-ni234n-khoi-nghiep-o-kh225nh-h242a-15.jpg
Phạm Minh Thông, một trong những thành viên sáng lập "The Moshav Farm", giới thiệu về các khu vực trồng trọt, chăn nuôi ở nông trại.

Dược liệu trồng tại nông trại được nhóm áp dụng khoa học công nghệ như sấy nóng, sấy lạnh để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như túi xông giải cảm, mặt nạ bùn khoáng...

“Hồi mới tới đây, tụi em khá sốc khi vỏ thuốc diệt cỏ vương vãi khắp nơi. Hàng năm, nhóm phải bổ sung hàng trăm tấn phân hữu cơ xuống để cải tạo đất. Nông nghiệp sạch thì tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ. Hiện nay, nông trại cắt cỏ có kiểm soát, tận dụng cỏ cây tại chỗ để giữ ẩm cho gốc cây trồng”, Phạm Minh Thông, một trong những thành viên sáng lập "The Moshav Farm", chia sẻ.

Trong ký ức của Thông, năm 2018, cả nông trại chưa tới 10 người nhưng khối lượng công việc quá nhiều từ cải tạo đất, quy hoạch trang trại, lên cây giống. Vấn đề cần giải quyết là nhân lực. Họ tìm tới từng hộ dân mô tả công việc, rồi đặt vấn đề về lương, chế độ. Ban đầu, người dân còn e dè. Nhưng thấy công việc có hiệu quả nên họ theo làm.

Để giải quyết vấn đề nhân sự, nhóm xây dựng chương trình thực tập sinh thông qua việc kết nối nông trại với các trường đại học, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội trải nghiệm cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại.

W-nh243m-thanh-ni234n-khoi-nghiep-o-kh225nh-h242a-20.jpg
Phạm Minh Thông kiểm tra vườn ổi.

Trong quá trình thực tập, những người có năng lực phù hợp sẽ được mời vào làm việc cùng cả nhóm. Họ xây dựng khu ký túc xá dành cho nam và nữ riêng biệt, thư viện đầy đủ các loại sách để sinh viên bổ sung kiến thức khi tới đây. Bên cạnh đó, nhóm đều có các buổi giao lưu, gặp gỡ các bạn trẻ, tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em vùng này.

Ngồi cạnh cộng sự của mình, Tiến cười hiền, điềm tĩnh chia sẻ về mô hình nông nghiệp của mình và các bạn với sự khiêm tốn như một người nông dân.

Hồi mới về đây, đất bỏ hoang lâu năm, canh tác kém hiệu quả, cả nhóm đối mặt với nhiều thách thức. Thoạt đầu, mọi người canh tác đất trồng sầu riêng Musang King. Thời gian đầu, cây phát triển nhưng gặp sự khắc nghiệt của thời tiết, chết dần. Tiền vốn và công vài trăm triệu đồng ra đi. Lần khác, đàn gà vài nghìn con sinh trưởng mạnh, sức mua giảm, giá thành thấp, đầu tư vài trăm triệu, song mỗi kg bán ra chỉ 37.000 đồng/kg. 

Đặc biệt, khi Covid-19 bùng phát mạnh, hoạt động của nông trại coi như tạm dừng, song vẫn phải đảm bảo nguồn lực, chi trả nhân sự. Các thành viên chủ chốt liên tục họp, tìm ra giải pháp. Áp dụng khoa học công nghệ, sấy lạnh, sấy nóng, The Moshav Farm tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ cây trồng ngắn ngày, như túi lá xông giải cảm; nước rửa tay, rửa chén, lau nhà, nước giặt từ quả bồ hòn; bột gừng sấy lạnh, bột rau má, trà đậu biếc; dầu gió bạc hà;...

Chỉ riêng sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng là túi xông giải cảm, mỗi tháng trang trại xuất ra thị trường hơn 30.000 túi, mỗi túi 25.000 đồng, đem lại doanh thu khoảng 750 triệu đồng.

Điều này phần nào giải quyết được kinh phí cho người lao động, mặt khác tạo ra sản phẩm riêng cho nông trại. “Trong quá trình làm việc, nhiều lần 4 thành viên cũng xảy ra xung đột về các vấn đề phát triển của nông trại, song chỉ tranh cãi đó rồi thôi. Anh em vẫn hòa thuận để đưa The Moshav Farm ngày càng phát triển”, Tiến chia sẻ.

Vượt lên những khó khăn, cả nhóm được đền đáp “quả ngọt”. Nông trại từ 10ha đã mở rộng lên 56ha. Tại đây, các thành viên chia thành nhiều khu vực, cụ thể như khu trồng dược liệu, chăn nuôi, chế biến sản phẩm và cả trang trại chăn nuôi, kết hợp phục vụ du lịch sinh thái trong thời gian tới.  

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu chiết xuất yến tinh chế với nhung hươu, đưa ra sản phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng. 

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, HƯỚNG NÔNG DÂN LÀM GIÀU

Sống ở xã Ninh Thượng hàng chục năm, ông Phạm Cao Trí (50 tuổi) miêu tả đặc sản địa phương là nắng, gió, đất thì khô cằn. Vợ chồng ông chỉ trồng mía đường, mỗi năm một vụ, đủ nuôi 4 người con. Từ khi nông trại The Moshav Farm định hình, được các bạn trẻ hỗ trợ về kỹ thuật, kéo nước từ đồi cao về, gia đình chuyển mô hình nông nghiệp trồng bưởi, ổi, nuôi thêm gà,... mỗi năm cho thu nhập chừng 300 triệu đồng.

Ngoài vườn tược, ông còn nuôi thêm 20 con dê và được nhóm trẻ tặng giống nhung hươu để nuôi thử nghiệm. “Từ khi có các bạn trẻ, mình được học hỏi kinh nghiệm nông nghiệp mới, mạnh dạn đầu tư để tạo ra thu nhập”, ông Trí nói.

W-nh243m-thanh-ni234n-khoi-nghiep-o-kh225nh-h242a-21.jpg
W-nh243m-thanh-ni234n-khoi-nghiep-o-kh225nh-h242a-22.jpg
Ông Phạm Cao Trí chăm nhung hươu được các bạn trẻ tặng.

Với định hướng phát triển nông nghiệp sạch, tiến đến du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng để phát triển lâu dài, nhóm Tiến kiên định với tiêu chí "lấy ngắn nuôi dài", tìm đầu ra sản phẩm, tạo thu nhập. Những chủ nông trại xem nông dân địa phương là mắt xích quan trọng của chuỗi sản phẩm của họ.

Vì thế, The Moshav Farm cũng tạo ra nguồn ngân sách riêng để thử nghiệm các vật nuôi, cây trồng khác nhau. Nếu đạt hiệu quả sẽ chuyển giao cho nông dân bản địa sản xuất.

Hiện nông trại có 40 nhân sự, chưa tính hợp đồng thời vụ, trong đó có bộ phận kinh doanh, phát triển thương hiệu The Moshav Farm. Mỗi người nhận mức lương trung bình 6-7 triệu đồng/tháng. Trải qua bao gian khó, đến nay, nông trại xây dựng hơn 1.000 đại lý online trong và ngoài tỉnh cùng nhiều kênh bán hàng trên mạng xã hội, mỗi tháng thu về hơn 3 tỷ đồng (chưa tính chi phí sản xuất, nguyên liệu và nhân công).

Ông Ngô Xuân Đại, Chủ tịch UBND xã Ninh Thượng, cho hay, vùng đất giáp núi khô cằn này từ xa xưa chỉ chịu được cây mía đường, chăn nuôi nhỏ lẻ. Ít ai dám nghĩ chuyện trồng cây ăn quả hay trang trại sinh thái.

Thế nhưng, nông trại The Moshav Farm - được tạo ra bởi các bạn trẻ - là một mô hình nông nghiệp xanh, trẻ thể hiện được nhiệt huyết khi ứng dụng công nghệ và mô hình nông nghiệp Israel vào thực tế để hướng đến nâng cao chất lượng cho nông sản Việt.

Theo ông Đại, mô hình này giúp người dân trong vùng thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, phát triển hướng đi mới và tạo ra thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Vị chủ tịch xã kỳ vọng trong thời gian tới, mô hình nông trại này sẽ phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm mang tính đặc thù góp phần hỗ trợ nông dân trên địa bàn.