Nhiều người thắc mắc: Hành vi của những người đi xe đạp trên có đúng luật giao thông không? Nếu chẳng may ô tô tông phải xe đạp thì "xe to có phải bồi thường xe bé''?

464383373_27243497168631829_7849456429001063691_n.jpg
Một vụ va chạm giao thông trên cầu Nhật Tân. Ảnh: Ủy ban ATGT quốc gia

Trả lời câu hỏi trên, Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc - Hà Nội) cho biết, từ cuối năm 2023, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp từ cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài đã bắt đầu có biển cấm đối với người đi bộ, các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, mô tô, xe gắn máy lưu thông.

“Do đó, kể từ thời điểm đặt biển cấm nêu trên, người đi xe đạp không được đi lên cầu Nhật Tân.

Đối với hành vi cố tình đi vào cung đường có biển cấm, theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 9, Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng”, luật sư Bình nêu. 

Với những trường hợp đi xe đạp vào cao tốc, luật sư Bình cho biết, khoản 5, Điều 9, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định: Một trong những hành vi bị cấm là điều khiển xe đạp đi vào đường cao tốc. Theo đó, người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.

''Xe to phải bồi thường cho xe bé"?

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, chưa bao giờ pháp luật Việt Nam quy định trong những vụ va chạm, tai nạn giao thông xe lớn phải bồi thường cho xe nhỏ. Dù thực tế nhiều người vẫn lầm tưởng điều này với tư duy người "có điều kiện” phải bồi thường cho người “khó khăn hơn”.

“Pháp luật chỉ quy định người nào có lỗi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại. Hoặc trường hợp cả hai bên đều không có lỗi nhưng người nào điều khiển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì người đó phải bồi thường cho người khác nếu không may hậu quả thiệt hại xảy ra.

Bởi vậy, ô tô chỉ có thể bồi thường cho xe máy, xe đạp khi người điều khiển ô tô có lỗi và gây thiệt hại cho người điều khiển xe máy, xe đạp”, luật sư Cường phân tích.

Luật sư đưa ra tình huống nếu ô tô va chạm với người đi xe đạp mà người đi xe đạp có lỗi thì người này phải bồi thường cho ô tô; còn nếu tài xế ô tô có lỗi thì phải bồi thường cho người đi xe đạp.

Do đó, khi tham gia giao thông đường bộ, dù người tham gia giao thông đó là người đi bộ, người điều khiển xe thô sơ hay xe cơ giới đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu có lỗi gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Không có quy định nào khác về việc xe to bồi thường xe nhỏ. Người đi bộ, điều khiển xe thô sơ và xe nhỏ tham gia giao thông càng phải thận trọng, bởi vì nếu không may xảy ra tai nạn với xe cơ giới thì hậu quả thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng.

Nếu có lỗi thì bản thân họ còn phải bồi thường cho người khác chứ không phải xe mình nhỏ, thô sơ hay do mình đi bộ mà không phải chịu trách nhiệm”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Những làn đường xe đạp được phép đi

Để tránh bị xử phạt, đồng thời đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, luật sư Phạm Thanh Bình khuyến cáo người đi xe đạp cần đi đúng làn đường quy định.

Cụ thể, theo cách phân loại phương tiện giao thông tại khoản 2, Điều 34, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định xe đạp là một trong các loại xe thô sơ. Tại khoản 3, Điều 13 của luật này quy định: “Trên một chiều đường có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái”.

“Như vậy, xe đạp được đi làn đường bên phải trong cùng phân biệt với phần đường dành riêng cho phương tiện cơ giới bằng các dải phân cách hoặc vạch sơn dọc liền”, luật sư Bình hướng dẫn.