Sáng 12/7, TAND quận Phú Nhuận mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 đối với Nguyễn Trần Hoàng Phong (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Phong là tài xế xe Mercedes gây tai nạn khiến nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (28 tuổi) thương tật 79% và ông Lê Mạnh Thường (tài xế xe Grab) tử vong.
Trước đó, phiên sơ thẩm lần 1, TAND quận Phú Nhuận đã tuyên phạt Phong 7 năm 6 tháng tù. Sau phiên sơ thẩm, chị Hường đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Về phía Phong, cho rằng bản án quá nặng, bị cáo làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Tháng 4/2021, TAND TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm do cần phải xem xét nguồn gốc căn nhà là của bị cáo Phong hay của mẹ bị cáo.
Quá trình điều tra bổ sung, ngày 14/2/2022, Công an quận Phú Nhuận đã ra lệnh kê biên đối với căn hộ tại chung cư Dream Home (phường 14, quận Gò Vấp) là tài sản của Phong để đảm bảo trách nhiệm bồi thường dân sự cho các bị hại.
Mẹ con bị cáo quyết giữ căn nhà
Tại phần xét hỏi hôm nay, bị cáo thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng, nhưng Phong không đồng ý với Điểm C, Khoản 4, Điều 260 tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Bị cáo cho rằng mình không hề bỏ chạy.
“Bị cáo không trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”, bị cáo Phong khẳng định. Đồng thời, bị cáo cũng đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền mà các bị hại yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, khi nghe chủ tọa nhắc nhở về việc bản thân không có bằng lái, chạy xe tốc độ cao, không làm chủ được tay lái đã tông vào ông Thường tử vong còn chị Hường bị thương tật nặng, Phong cúi đầu thừa nhận mình sai.
Về lời khai của bị cáo không bỏ chạy, vị chủ tọa giải thích, sau khi gây tai nạn bị cáo đã bỏ trốn, không cấp cứu người bị hại, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Vì vậy, việc VKS truy tố là hoàn toàn chính xác.
Quá trình điều tra bổ sung, con gái ông Thường yêu cầu bồi thường tổng cộng 417 triệu đồng (trước đó đã nhận 60 triệu đồng).
Về vấn đề bồi thường, đại diện cho ông Lê Mạnh Thường cho hay, việc yêu cầu bồi thường 417 triệu đồng là gồm tổn thất tinh thần, tiền mai táng phí. Phong đồng ý với yêu cầu này của đại diện bị hại Lê Mạnh Thường.
Bị hại Nguyễn Thị Bích Hường khai, ngay khi tai nạn xảy ra chị hoàn toàn tỉnh táo tới tận lúc vào bệnh viện nên chị biết rõ Phong không hề gọi xe cấp cứu hay có hành động giúp đỡ chị và ông Thường. Mẹ chị Hường là người đưa chị đi cấp cứu.
Chị Hường cũng yêu cầu bị cáo bồi thường thêm 300 triệu đồng chi phí cho đợt phẫu thuật sắp tới, nâng tổng số tiền mà chị Hường đòi bồi thường lên 1,7 tỷ đồng. Bị cáo từ chối yêu cầu này, chỉ đồng ý bồi thường 1,4 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm lần 1 đã tuyên.
Về căn chung cư, bị cáo Phong thừa nhận do bị cáo đứng tên nhưng là tiền của mẹ bị cáo mua do mẹ bị cáo không có giấy tờ, phải nhờ đứng tên. Về lời khai này của bị cáo, HĐXX cho rằng đây chỉ là lời khai của bị cáo và việc này có thật hay không chỉ bị cáo và mẹ bị cáo biết.
Bị cáo cũng giải thích lý do khi ở nhà tạm giữ, bị cáo đề nghị gặp công chứng viên sang tên nhà cho mẹ là nhằm mục đích để mẹ bị cáo mang bán hoặc cầm cố để bồi thường cho các bị hại.
Về việc CQĐT quyết định kê biên căn nhà, Phong khẳng định mình không có ý kiến gì với quyết định này.
Bà M. (mẹ bị cáo Phong) cho biết, sau khi tai nạn xảy ra bà đã đi vay mượn được 150 triệu đồng, nhờ CQĐT khắc phục hậu quả cho các bị hại. Tuy nhiên, cả 2 bị hại không chấp nhận. Sau này, tại phiên phúc thẩm lần 1, bà M. đã mang số tiền này khắc phục tại tòa cho các bị hại.
Bà M. cũng khẳng định căn nhà trên là do cha bà trước khi chết cho 800 triệu đồng, cộng với bà vay mượn thêm để mua. Do trước đây bà vi phạm pháp luật phải đi tù, khi ra tù không được các anh chị em nhập khẩu lại nên không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân nên để con trai đứng tên mua căn hộ dùm.
Trước lời khai này của mẹ con bị cáo Phong, chủ tọa phân tích, việc bị cáo vi phạm giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng, tước đi mạng sống của ông Thường và làm chị Hường bị thương tật nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc, cuộc sống của bị hại.
“Những mất mát của các bị hại không có tiền nào có thể mua được, vậy mà mẹ con bà ở đây tranh cãi căn nhà này là của ai như vậy có bà thấy có đáng không?”, vị chủ tọa nhẹ nhàng nói.
Tuy nhiên, bà M. vẫn tha thiết xin giữ lại căn nhà và hứa sau khi có sổ hồng sẽ đem đi cầm cố, lấy tiền khắc phục cho bị hại.
Theo truy tố, 5h sáng ngày 30/1 (mùng 6 Tết Canh Tý), Phong lái chiếc xe Mercedes từ tầng hầm tòa nhà số 108 Hồng Hà, quận Phú Nhuận, về ngã tư Hoàng Minh Giám.
Khi đến số 123 Hồng Hà, do không làm chủ tốc độ, Phong đã lao xe sang làn đường ngược chiều, tông trực diện vào xe máy của ông Lê Mạnh Thường. Lúc này, ông Thường đang chở chị Nguyễn Thị Bích Hường lưu thông theo chiều ngược lại.
Vụ tai nạn làm ông Thường tử vong tại bệnh viện. Chị Hường may mắn thoát chết nhưng bị thương tật lên tới 79%.