Chia sẻ về tác phẩm mới, Tâm Bùi cho biết, anh đã có ý tưởng từ năm 2019. “Ban đầu, đó là một quyển du ký kèm hình ảnh về những hành trình mình đi đến các thánh địa của rất nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Nhưng do từ cuối năm 2019, dịch Covid bắt đầu xuất hiện nên các chuyến bay quốc tế đều phải tạm dừng, thành ra mọi công việc đều phải trì hoãn suốt 2 năm sau đó”, Tâm Bùi nói.
Trong thời gian chỉ quanh quẩn ở nhà, Tâm Bùi cho biết, bản thân được vũ trụ giao cho khá nhiều bài tập để vật vã giải trong 4 bức tường. “Mình không được đi ra ngoài nữa mà phải đi ngược vào bên trong, bằng không sẽ mãi mắc kẹt lại trong những mớ bòng bong đó”.
Sau hơn 2 năm thực hành và ghi chép, Tâm Bùi cho biết đã tạm vượt qua môn học này. Khi đó, anh được một cô em gái động viên: “Hành trình này anh nên đúc kết lại thành một quyển sách nho nhỏ. Có thể mình không cần đến nữa nhưng ngoài kia vẫn còn rất nhiều người cần và có thể xem nó như một nguồn động lực để họ đi tiếp”. Và Cá hồi: Hành trình tỉnh thức đã ra đời bởi thôi thúc ấy...
Theo đó, tác phẩm ghi chép hành trình thực hành mindfulness (chánh niệm) của tác giả để nhìn sâu và giải quyết những khủng hoảng nội tâm. Tâm Bùi cho rằng, không nên nhìn nỗi khổ niềm đau bằng sự lo lắng, sợ hãi, chạy trốn nó mà hãy đối diện, không phán xét, không phản ứng.
Tác giả quan sát thấy cá hồi có tập quán sinh sản đặc biệt: chúng được sinh ra ở thượng nguồn những con suối rồi xuôi theo dòng nước ra đại dương. Sau khi vùng vẫy thỏa sức ở biển lớn, chúng tìm đường trở về nơi mình sinh ra để đẻ trứng, tiếp nối sự sống của giống loài.
Chặng đường quay về của loài cá hồi đã gợi cảm hứng cho Tâm Bùi suy nghĩ về hành trình của bản thân: trở về để hiểu chính mình, tìm ra phương thuốc chữa lành cho tâm hồn, vực dậy cho thân tâm trở nên mạnh mẽ và bắt đầu cho đi để làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cá hồi: Hành trình tỉnh thức có 4 phần, nằm gọn trong 255 trang gồm: Mối duyên với Làng Mai, Nhìn lại, Chuyển hóa, Những cái thấy - là những mô tả thực hành chánh niệm một cách gần gũi, dễ hiểu, dễ ứng dụng bằng việc thực hiện các bài tập nhỏ như: quét nhà, dậy sớm - ngủ sớm, thanh lọc cơ thể, dọn lòng, nhận biết, những điều kiện hạnh phúc, sự giác ngộ… Tác giả mong rằng, tác phẩm sẽ thêm một gợi ý để mỗi người quay về nương tựa chính mình, thiết lập một cuộc sống an yên cho tự thân và người xung quanh.
Sau những mê lầm trong tình yêu, công việc, thói quen sinh hoạt... Tâm Bùi đã trải qua quá trình tự tu dưỡng xây dựng cuộc sống ổn định, vui vẻ, tự do. Theo cảm nhận của người viết, đó là hành trình tỉnh thức để trở về với các giá trị cốt lõi, không còn bị xáo động bởi những thứ phức tạp, rối ren.
Lễ ra mắt sách cũng là buổi thực tập có mặt cho nhau giữa tác giả và bạn đọc với cách ngồi yên, lắng nghe hơi thở vào-ra và an trú trong hiện tại.
Travel blogger Tâm Bùi được biết đến đầu tiên với vai trò là một photographer nổi danh với những bộ ảnh có cái nhìn rất khác biệt về cuộc sống. Tự nhận định là một con người mộng mơ, “Những cái mọi người thấy về tôi chỉ quẩn quanh 3 động từ: chụp ảnh, kiếm tiền và đi”. Trong buổi giao lưu, anh còn tự nhận là người hướng nội, ít tiếp xúc đám đông và thường để suy nghĩ của mình vào trang sách hoặc chia sẻ lên mạng xã hội.
Trước đó, Tâm Bùi được biết đến qua hai tập sách ảnh Gà trống, gà mái và những kẻ mộng mơ (2015) và Bụi đường tuổi trẻ (2017).