Trước yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, ngày 28-9-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”.
Đây là chiến lược chuyên ngành quan trọng, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó dự báo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là trên Biển Đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh quyết liệt; tận dụng ưu thế về kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ, sử dụng “sức mạnh mềm”, “biên giới mềm”, không gian vũ trụ, không gian mạng để đẩy mạnh can dự, gây sức ép về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, xâm phạm biên giới địa lý của các quốc gia khác, thậm chí mưu toan “vẽ lại” đường biên giới. Chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, làn sóng di dân khi có tình huống khủng hoảng ở các nước láng giềng... tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ và công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của ta.
Đánh giá, sau gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ BGQG, tuy nhiên, theo PGS, TS. Hoàng Xuân Chiến, ở một số địa phương biên giới, kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, trình độ dân trí thấp. Tình trạng di cư tự do, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại... tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát.
Công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông và việc quản lý, bảo vệ vùng biển phía Tây Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chủ quyền biên giới, an ninh hàng hải, an ninh hàng không và phát triển kinh tế biển của Việt Nam có nguy cơ bị đe dọa. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề Biển Đông để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như công tác quản lý, bảo vệ BGQG.
“Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”
Trước bối cảnh trên, ngày 28-9-2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” nhằm nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, đề ra đối sách đúng đắn, kịp thời; xác định mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp sát đúng, cụ thể, hiệu quả. Nghị quyết có nhiều nội dung sâu sắc, toàn diện, khoa học, cách mạng, bao hàm nhiều vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, đòi hỏi các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc.
Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định mục tiêu chung là: “Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước”.
Nghị quyết chỉ rõ quan điểm chiến lược: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”.
Đồng thời, Nghị quyết xác định: Sự nghiệp bảo vệ BGQG đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, luật pháp và các điều ước quốc tế về BGQG mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Bạch Hân, Duy Khánh, Thu Huyền