Lý do cần tầm soát ung thư phổi
Ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 26.262 ca mắc mới và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng, yếu tố di truyền…
Những năm gần đây, nhờ sự tiến bộ của y học nên việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng với bệnh ung thư phổi đã tốt hơn. Ngành y tế khuyến cáo những người có tiền sử hút thuốc lá, nên đi tầm soát ung thư phổi sau 40-50 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), cho hay mục tiêu của tầm soát ung thư là phát hiện sớm ung thư ở giai đoạn sớm, khi bệnh mới hình thành, còn khu trú, chưa lan tràn. Khi đó, ung thư dễ điều trị, ít tốn kém so với khi bệnh đã tiến triển hoặc di căn sang cơ quan khác.
Bác sĩ khẳng định nếu việc tầm soát ung thư thực hiện đúng sẽ giảm được tỷ lệ tử vong cũng như di chứng do ung thư gây ra.
“Ví dụ như với ung thư phổi, chương trình tầm soát bằng chụp CT phổi liều thấp đã giúp giảm 20% nguy cơ tử vong do ung thư phổi; tầm soát ung thư vú bằng khám lâm sàng phối hợp chụp nhũ ảnh giúp giảm 26% tỷ lệ tử vong do bệnh này gây ra”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Ông cũng lưu ý, tầm soát ung thư cũng có mặt trái như dương tính giả, âm tính giả hoặc điều trị quá mức, đồng thời không có một phương pháp nào giúp phát hiện tất cả các loại ung thư. Mỗi quốc gia sẽ áp dụng tầm soát ung thư khác nhau tuỳ theo mô hình bệnh tật và là lộ trình lâu dài.
Ngộ nhận về tầm soát ung thư phổi
Tại hội thảo cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư phổi năm 2023 do Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức, bác sĩ Nir Peled (Trung tâm y tế Shaare Zedek, Israel) cho biết tại Israel, tầm soát ung thư phổi là chương trình quốc gia.
Người dân được thực hiện tầm soát miễn phí bằng chụp CT phổi liều thấp, có thể kết hợp đánh giá chức năng hô hấp, khi phát hiện bất thường sẽ được chuyển lên các trung tâm điều trị chuyên sâu. Đối tượng nguy cơ gồm người trên 50 tuổi và có hút thuốc.
Theo bác sĩ Nir Peled, hiện nay xuất hiện khá nhiều phương pháp tầm soát ung thư, trong đó có việc xét nghiệm máu tìm các chỉ số như CEA, Cyfra 21-1..., được cho là giúp phát hiện sớm ung thư phổi.
Tuy nhiên, ông khẳng định đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học khẳng định xét nghiệm máu có thể tầm soát chính xác ung thư. Bệnh nhân phải được thực hiện kết hợp với các kỹ thuật khác (như CT phổi liều thấp) trước khi đưa ra kết luận.
Cũng theo các chuyên gia, xét nghiệm CEA trong máu tìm ung thư chỉ đúng trong khoảng 20% trường hợp, chưa kể với người đang hút thuốc, chỉ số này cũng tăng.
Tại Singapore, việc tầm soát ung thư phổi chủ yếu là kết hợp nhiều phương pháp, dựa trên thể trạng và khả năng kinh tế của từng bệnh nhân. Kỹ thuật thường được sử dụng nhất cũng là chụp CT phổi liều thấp.
Qua tầm soát, nếu phát hiện khối u, tùy tính chất và tình trạng khối u mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí cụ thể, tiếp tục theo dõi và tầm soát hay cần can thiệp điều trị.
Theo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT) là phương pháp sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của phổi, liều bức xạ rất thấp so với các phương pháp chụp CT thường quy khác. Điều này giúp giảm nguy cơ gây hại cho sức khỏe của bệnh nhân.
Phương pháp này được sử dụng để phát hiện sớm ung thư phổi và các bệnh phổi khác ở người có nguy cơ cao, như người hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá, người tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường làm việc, trong đời sống hàng ngày, hoặc trong quá trình sàng lọc.
Năm 2022, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có hơn 27.700 bệnh nhân mắc ung thư mới vào điều trị. Trong đó, bệnh nhân ung thư phổi là hơn 2.000 ca. Mới đây, bệnh viện cũng đã tổ chức chương trình khám sàng lọc cho 600 người 50-80 tuổi, hút thuốc lá từ 20 gói/năm nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Các bệnh nhân sẽ được chụp CT liều thấp, được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí.