Đi công tác xa Hà Nội, trời oi bức, đeo trên người chục cân máy ảnh mà bộ quần áo tôi mặc ướt đẫm trong nắng. Người mệt vì mất nước, chân tôi bủn rủn. Tôi ghé gian chợ quê ven núi, muốn nghỉ chút và kiếm chai nước uống.
Phía trước có quầy hàng ăn mộc mạc nho nhỏ với mái tôn xanh, mấy người đang ăn bún lòng. Nói là bún lòng nhưng chắc là nước luộc lòng với bún chứ tôi không nhìn thấy lòng đâu cả.
Có khoảng chục người đang chăm chú ăn, tôi thấy bên hông quán có người mẹ trẻ, mặc chiếc áo rách vạt dắt theo một bé gái chừng 4 tuổi. Hai mẹ con đứng hướng vào trong quán. Bé con tí lại đu tay mẹ như ra hiệu với mẹ muốn được vào ăn bún. Mỗi lần bé đu réo đòi mẹ như nũng nịu giục giã, người mẹ lại nhíu tay như thầm ra hiệu không được.
Tôi đứng gần đó quan sát nên hiểu ý con bé. Khi tôi tiến lại gần hai mẹ con thì những người trong quán nhao nhao chào tôi bằng tiếng Anh vì họ nghĩ tôi là người nước ngoài.
Thấy tôi đi về phía hai mẹ con, người mẹ liền dắt con đi. Tôi đi nhanh theo nói với ý là em cho con quay lại ăn bún đi, con bé muốn ăn bún, em cứ quay lại cho con ăn. Vừa nói tôi vừa như lùa hai mẹ con quay lại.
Người mẹ lắc đầu rồi xòe tay ra, trong lòng bàn tay khô ấy tôi nhìn thấy có đúng 3 ngàn đồng lẻ. Tại tôi chưa nói hết câu nên mẹ bé không hiểu. Tôi muốn cả hai mẹ con vào ăn bún và hết bao nhiêu tiền tôi trả. Tôi nói như vậy rồi giải thích nhưng người mẹ ngại nên không dắt con quay lại quán. Tôi biết, lúc đó tôi không thể thuyết phục được người mẹ ấy nên đành nhờ chị bán bún.
Tôi quay lại quán bún, đưa tiền cho chị ấy và nói chị hãy thương tôi, ra kia thuyết phục hai mẹ con. Chị hãy nói thế nào đó để hai mẹ con quay lại ăn và không sợ phải trả tiền. Chị bán bún nghe lời tôi, lúc đó cả quán nhỏ của chị lại ồ lên vì tôi nói tiếng Việt giỏi quá, rồi hỏi tôi ở đâu đến.
Tôi ám ảnh ánh mắt con bé như năn nỉ mẹ để được ăn quà trong vô vọng. Nó làm tôi nhớ lại câu chuyện của mình từ năm 1989. Hồi đó nghỉ hè, trường tôi tổ chức cho học sinh đi thăm Lăng Bác Hồ và vườn bách thú. Tôi xin mẹ cho em gái đi cùng. Tôi có cô em gái nhỏ, hay bị ốm nên người thì cao nhưng còi cọc.
Mẹ cho em đi thăm Lăng Bác với tôi, cho anh em tôi một nửa túi bánh quy kem xốp. Đó là những chiếc bánh tròn có đường kính khoảng 7cm. Bánh được làm bởi hai chiếc bánh xốp kẹp kem ở giữa. Kem ở giữa có màu trắng đục, ăn rất ngậy và thơm mùi sữa đặc.
Bánh Thanh Tâm hồi đó thịnh hành. Quà cho trẻ em hay người lớn đều là gói bánh đó. Bánh có 15 chiếc chia đều 3 hàng. Mẹ cho tôi thêm một ngàn rưỡi nữa để chi tiêu hoặc mua quà cho em. 1,5 ngàn đồng đó mua khéo thì được một nửa túi bánh quy kem Thanh Tâm nữa.
Tôi và em gái hôm đó được lên xe đi thăm Lăng Bác từ rất sớm. Em gái tôi say xe nôn mật xanh mật vàng. Ngày đó không có khái niệm dùng túi nilon để nôn vào, cũng chẳng có túi nilon, thế nên khi nôn là phun sang người bên cạnh, mà người bên cạnh là tôi.
Tôi thương em nên không ngại bẩn gì cả, tôi thấm hết những thứ em nôn ra đầy áo quần của tôi. Em nôn xong tôi lại lấy bánh kem Thanh Tâm đưa em ăn để có sức.
Thế rồi cũng đến Lăng Bác, tôi dắt em xuống xin nước rửa tay và miệng cho em. Ngày xưa đi đâu không có khái niệm mang nước theo, mà cũng chả có vật dụng gì để có thể mang nước cả. Tôi giục em ăn thêm bánh rồi vào thăm Bác, em tôi hào hứng hẳn lên.
Thăm Lăng Bác xong thì đi vườn bách thú. Lúc đó khoảng gần 10h sáng, trời nóng và mọi người bắt đầu đói, tôi hỏi em có đói không, có ăn bún không anh mua. Em tôi ngần ngừ hàm ý cũng thích được ăn nhưng sợ tôi không có tiền để trả.
Ở cổng công viên phía đường Bưởi, lối xuống đi vào là một dãy bán đồ ăn ngồi ngoài trời không có bạt ô mái che như bây giờ, phục vụ chủ yếu những người đi tham quan. Bà bán bún cổng công viên có cái biển nhỏ bằng bìa các-tông treo trên đầu quang gánh đề là bún thịt 1,5 ngàn đồng/bát. Bún thịt là bún thịt lợn ba chỉ, được thái mỏng và to bằng đầu ngón tay cái.
Như đã kể ở trên, mẹ tôi cho tôi 1,5 ngàn để tiêu và nửa gói bánh Thanh Tâm để ăn. Tôi được đi chơi, bà nội tôi rất thương tôi nên dấm dúi cho tôi 700 đồng nữa, vậy là tôi có 2,2 ngàn đồng.
Mọi người ngồi xuống ăn bún ào ào. Quán bún đông quánh người ăn, bà bán bún cũng nhanh tay chan nước và bốc bún cho từng bát nhanh thoăn thoắt. Vừa bốc bà vừa nói: “Nào, ai ăn thì ngồi xuống đi không chốc là hết nào”. Tôi cũng sợ hết thì em không có gì ăn. Tôi bảo em ngồi xuống anh mua bún em ăn cho đỡ đói, chút về lại say xe thì ốm.
Tôi mua cho em bát bún. Em tôi ăn ngon, vừa ăn vừa hỏi sao chưa thấy bát bún của tôi. Tôi giục em ăn đi, tí nữa anh ăn. Quán bún gánh nên ai ăn thì mới được ngồi ghế, ai không ăn thì không nên ngồi ghế của người ta, để ghế người ta còn bán hàng, tôi chỉ ngồi xổm bên cạnh em.
Em tôi ăn mãi mà không thấy tôi có bún ăn nên giục tôi, "anh không mua tí nữa hết bún anh lấy gì mà ăn". Tôi gật gù và bảo, "em ăn đi, tí anh sẽ ăn".
Vì em cứ giục nên tôi rụt rè lấm lét tiến gần lại bà bán bún nói nhỏ: "Cô ơi, 700 đồng không thịt cô bán cho cháu một bát nhé? Cháu chỉ cần cô chan nước như thế kia thôi cũng được".
Sở dĩ lúc đó tôi phải tiến lại gần bà bán bún và nói nhỏ là vì xấu hổ. Xấu hổ vì đi mặc cả bát bún bằng nửa tiền mà không cần phải có thịt, sợ nhiều người ở đó nghe thấy thì rất ngại và tủi thân.
Bà bán bún hắng giọng: "Không! hâm à, nhịn đi, có 1,5 ngàn đồng, ăn cả bát đi lại còn 700 đồng không thịt…!".
Tôi không nói gì, quay về chỗ em ngồi. Tôi bảo, anh chỉ còn 700 đồng thôi, không đủ một bát như của em nên bà không bán cho, anh cũng bảo không cần có thịt rồi nhưng bà ấy cũng không bán.
Lúc đó ánh mắt em tôi buồn lắm, ánh mắt nó buồn y như con bé tôi gặp trong phiên chợ này vậy.
An Thành Đạt
Cánh đồng không còn, cha mẹ đã già, chỉ còn vị ngọt cá trê thui rơm trong ký ức