Sau một năm làm công việc trò chuyện với những người khủng hoảng tâm lý, Hoàng Hà Gia Bảo (27 tuổi) khá bất ngờ khi những người ở đầu dây bên kia đôi khi không nằm trong độ tuổi mà anh dự đoán.

Trước khi trở thành tình nguyện viên của đường dây nóng Ngày mai, Bảo nghĩ rằng đối tượng mà mình lắng nghe sẽ là người trẻ. Nhưng khi bắt tay vào thực tế công việc, anh gặp cả người già hoặc ở độ tuổi trung niên. 

Bảo nói, không phải chỉ người trẻ mới có thể rơi vào trầm cảm. Cũng không phải chỉ những người gặp khó khăn về tài chính hay tình cảm mới là nạn nhân. Có những người tưởng chừng như cuộc đời rất suôn sẻ, may mắn nhưng lại đang trong trạng thái tâm lý rất tồi tệ. 

Có một cuộc gọi mà Bảo vẫn còn nhớ tới tận bây giờ, đó là của một phụ nữ trung niên có trình độ học thức, có công việc ổn định. Nhưng vì phải sống trong một gia đình không hoà thuận nên cô luôn căng thẳng và mắc chứng trầm cảm lúc nào không hay. 

Người phụ nữ gọi tới cho Bảo trong tình trạng đã lên kế hoạch tự tử cho mình với chi tiết ngày giờ rõ ràng. Thứ duy nhất níu giữ và là động lực khiến cô gọi tới cho đường dây nóng là đứa con nhỏ. 

“Cô ấy không thể chia sẻ được với gia đình, không có bạn bè thân thiết. Chỉ có duy nhất một nhóm bạn nhưng những người này đều ở trong tình trạng tương tự - từng có hành vi tự tử”.

Với trường hợp này, ngoài việc lắng nghe những chia sẻ của người gọi đến, Bảo sẽ cố gắng tìm cách trì hoãn kế hoạch tự hại của nạn nhân. 

Hẹn gọi lại vào hôm sau luôn là một bước bắt buộc mà các tình nguyện viên sẽ giao hẹn với người gọi đến, để chắc chắn rằng họ vẫn ổn sau đó. 

Thời gian gần đây, nhóm hay nhận được những cuộc gọi từ các bạn học sinh đang gặp căng thẳng trong cuộc sống. 

Bảo cho biết, thời gian gần đây, sau khi báo chí phản ánh thông tin về một nam sinh tự tử, những cuộc gọi của các em ở độ tuổi này với những vấn đề tương tự được tiếp nhận nhiều hơn. 

Bảo vẫn nhớ cuộc gọi của một nữ sinh có gia đình không trọn vẹn khi bố mẹ đã ly hôn. Những căng thẳng của em đến từ cách nói chuyện gây tổn thương của những người trong gia đình.  

May mắn, em có một người bạn biết lắng nghe, không phán xét nhưng có vẻ như người bạn ấy không hiểu được những gì em đang trải qua. 

“Em tìm đến chúng tôi để chia sẻ những cảm xúc bị đè nén. Tuy nhiên, ở em, tôi cảm thấy vẫn có một sức mạnh tinh thần cao và chưa đến mức dẫn đến những hành vi tự hại”.

Một số thành viên trong nhóm trực đường dây nóng Ngày mai - nơi tiếp nhận thông tin và tham vấn tâm lý miễn phí cho người đang trong khủng hoảng tâm lý

Những câu chuyện khác mà Bảo từng được nghe, nhiều người có thể đánh giá là không có gì quá nghiêm trọng đến mức phải căng thẳng hay trầm cảm. Nhưng với những tình nguyện viên như Bảo, họ luôn phải tự nhắc mình giữ tinh thần lắng nghe không phán xét. Họ luôn tự đặt mình vào vị trí của người chia sẻ để thấu cảm nỗi đau và sự cô đơn của nạn nhân. 

Chính vì thế, sau những ca trực kéo dài 4 tiếng đồng hồ, đôi khi cảm xúc nặng nề của những cuộc gọi đến khiến Bảo bị xao nhãng và mất đi nguồn năng lượng tích cực. 

Khi ấy, anh lại tự tìm cách giải toả cho mình. Từng học về chánh niệm ở trường đại học, Bảo chọn cách đi mài dao để thực hành nó. Những lúc ấy, tâm trí anh hoàn toàn tập trung vào hành động con dao được mài trên viên đá và từ đó lấy lại cảm giác thư thái, cân bằng hơn. 

Những lúc khác, Bảo lấy lại tinh thần bằng cách trải nghiệm pha cà phê thủ công tại nhà. Trải nghiệm này đòi hỏi người thực hiện tập trung vào vị giác, khứu giác để cảm nhận được từng tầng lớp của mỗi vị cà phê. Bảo nói, thực hành chánh niệm là chọn một công việc nào đó, sau đó tập trung mọi giác quan của mình vào các thao tác của công việc đó để cảm nhận trọn vẹn nó tại thời điểm đang diễn ra. Đó là một phương pháp giảm stress có hiệu quả với bản thân anh. 

Ngược lại, những câu chuyện mà Bảo được nghe đôi khi mang lại cho anh những trải nghiệm hữu ích. “Nó giúp tôi có cái nhìn thấu đáo hơn về bản thân mình và về cuộc sống xung quanh. Những câu chuyện mà các bạn đã dũng cảm chia sẻ cũng giúp tôi có thêm trải nghiệm ở góc nhìn khác mà mình chưa từng có cơ hội trải nghiệm. Tôi cảm thấy biết ơn vì đã được nhìn, được nghe thế giới ở một góc nhìn khác”.

Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.

Từ năm 1999, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Chiến lược Quốc gia về Sức Khoẻ Tâm thần với mục tiêu cụ thể là sử dụng 5% ngân sách y tế từ năm 2020 và mở rộng nguồn lực về sức khỏe tâm thần vào năm 2025. Tuy nhiên, Chiến lược này đến nay chỉ bao gồm khoảng 30% dân số của đất nước, và sử dụng một danh sách bệnh tâm thần rất hẹp. Phần lớn bệnh nhân vẫn chưa được điều trị hoặc chẩn đoán sai.

Nguyễn Thảo 

Ảnh: NVCC