Làm mẹ của trẻ bình thường đã rất khó, làm mẹ của một em bé chậm phát triển là hành trình đầy gian nan, không ngừng tìm kiếm hi vọng. Hành trình ấy không chỉ có khổ đau, nước mắt, tình yêu vô bờ dành cho con, mà còn là hành trình hun đúc lòng nhẫn nại, kiên cường.
Tôi là giảng viên đại học và là mẹ của một em bé khác biệt, được y học chẩn đoán là chậm phát triển vận động và trí tuệ.
Khi con chào đời, con trông tuyệt vời: tóc đen, mắt đen, ánh mắt linh hoạt, miệng luôn mỉm cười. Tôi sẽ không bao giờ quên niềm vui đó. Đến thời điểm này, tôi hầu như đã vượt qua tất cả cung bậc tâm lý của bất kỳ cha mẹ nào nuôi con khác biệt: nỗi ngờ vực, dằn vặt, đau khổ, tuyệt vọng, trầm cảm.
Tôi đã khóc cạn nước mắt thời tuổi trẻ. Tôi đã định buông xuôi tất cả, bỏ nghề, để chỉ dành thời gian bên con. Cũng có lúc tôi định theo đuổi chuyên ngành giáo dục đặc biệt để có thể dạy con.
Bạn dạy con mấy lần thì con biết mặc quần áo, đánh răng? Tôi mất hơn 10 năm để con làm được điều đó, một cách vụng về! Con học nhiều năm lớp 1, lớp 2 và con chưa bao giờ có học bạ. Trải qua biết bao môi trường học tập nhưng chưa bao giờ con có điểm số.
Hiện tại, con may mắn được gặp thầy cô và các anh chị có kiến thức về giáo dục đặc biệt, những người có trái tim nhân hậu. Họ đã cười cùng con, học cùng con những điều đơn giản nhất.
Tôi vẫn nhớ y nguyên cảm giác hụt hẫng, tuyệt vọng khi đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương mười mấy năm về trước. Khi bác sĩ thông báo, con chậm phát triển, phải can thiệp vận động và ngôn ngữ thì may ra con mới biết đi, biết nói, tai tôi ù đi như nghe tiếng sấm.
Hàng hoạt câu hỏi hiện lên trong đầu tôi, tất cả đã kết thúc rồi sao, tương lai của con, của gia đình, sẽ đi về đâu?
Sau đó là chuỗi ngày tôi dằn vặt. Tôi nuôi con cẩn thận, tôi dạy con người khác kia mà. Sao con lại có thể chậm phát triển được. Rồi khó khăn chồng chất khó khăn, con lớn bắt đầu đi học, chồng đi công tác xa, áp lực làm thêm để kiếm tiền đè nặng lên vai tôi.
Mỗi ngày trôi qua với tôi đều ngập trong nước mắt. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác con cắn chặt hàm răng, không ăn, chỉ cất tiếng khóc ngằn ngặt.
Ngày ấy, Internet là mới mẻ ở Việt Nam, rất khó để tiếp cận với nguồn tài liệu về nuôi dạy trẻ chậm phát triển. Tôi rơi vào vô vọng, chẳng biết bày tỏ cùng ai, khi mà xung quanh, mỗi khi ai đó tỏ ra quan tâm, đều hỏi: Tại sao, thế lúc mang thai thế nào? Có phải tại bố mẹ không nói chuyện với con, để con xem tivi suốt ngày không? Thậm chí, có người còn hỏi: Thế gia đình có ai “bị” như thế chưa? Những câu hỏi ấy như những vết cứa rất sâu vào trái tim tôi.
Sau đó, tôi bàn bạc với chồng đưa con đi viện để trị liệu. Khi tròn 4 tuổi, con chập chững những bước đi đầu tiên, cũng là lúc tôi hiểu rằng, khó khăn mới bắt đầu.
Dù lờ mờ hiểu rằng, con không bao giờ có thể trở nên bình thường, tôi vẫn hi vọng chứa chan, biết đâu điều kỳ diệu lại đến với con. Tôi đưa con đi trị liệu liên tiếp những năm sau đó và đau đáu một câu hỏi, nếu tôi bỏ nghề, toàn tâm toàn ý dạy con, thì liệu con có trở nên bình thường không.
Sáu tuổi, con nói được vài từ cơ bản: mẹ ơi, bà ơi. Vậy là hạnh phúc lắm rồi! Tám tuổi, con vào lớp 1, như học sinh dự thính.
Tôi sợ nhất cảm giác đưa con đến lớp, nhìn các bạn của con là nước mắt giàn giụa... Hiện tại, dù không còn khóc nhiều như thế, nhưng mỗi lần bước ra khỏi cổng trường nơi con đang theo học, khoé mắt tôi lại chực cay xè.
Cuộc đời cũng có những khúc cua, khi tôi được học bổng đi học khóa học nghiên cứu về giáo dục ở Úc năm 2011. Chương trình cho học viên ở homestay tại nhà giáo sư để tìm hiểu về văn hóa Úc. Tôi được sắp xếp ở nhà một nữ giáo sư, có con tật nguyền khoảng 30 tuổi.
Biết tôi có cùng hoàn cảnh, cô đã đưa tôi đến thăm con gái của cô, một cô bé tật nguyền vui vẻ. Tôi đã phần nào hiểu được nỗ lực phi thường của cô, là nhà nghiên cứu, là một người mẹ có con luôn cần trợ giúp đặc biệt.
Chuyến thăm ngắn ngủi đã đem lại cho tôi hiệu ứng tích cực. Tôi tự nhủ sẽ vượt lên trên số phận, dành năng lượng để đồng hành cùng con. Tôi đã có những quyết định lớn trong đời: vừa sống với đam mê, vừa đồng hành cùng con, từng bước. Tôi yêu cầu sự trợ giúp của chồng và con lớn, cùng sẻ chia khó khăn, cùng vui những niềm vui li ti, cùng nhau buồn, những nỗi buồn khôn xiết.
Giờ đây, con 18 tuổi, suy nghĩ vẫn chỉ như một đứa trẻ lên 2. Nhưng mỗi sáng, chỉ cần nghe con chúc mẹ một ngày mới vui vẻ, lòng tôi lại trào lên niềm hạnh phúc.
Tôi muốn gửi đôi lời đến cha mẹ có con cùng cảnh ngộ, nếu bạn cảm thấy cô đơn trên hành trình nuôi con chậm phát triển, mong rằng câu chuyện này sẽ là một ánh nến le lói, thắp lên niềm hi vọng dù mong manh. Các bạn không cô đơn đâu, ngoài kia, cũng có ai đó giống bạn, đang cố gắng sống có ích mỗi ngày.
Nếu bạn là người mẹ, khi đọc những dòng này, bạn đừng ngại tìm kiếm sự trợ giúp. Tôi luôn trân trọng sự chung tay của các thành viên trong gia đình, luôn chắt chiu từng niềm vui ngắn ngủi, để cùng con bước tiếp trên con đường chông gai phía trước.
Cảm ơn con yêu đã khiến mẹ trưởng thành hơn, kiên nhẫn, cởi mở và chấp nhận sự khác biệt, mẹ yêu những điều không hoàn hảo của cuộc sống. Mẹ hiểu rằng, ý nghĩa của cuộc sống là được sống vui, khoẻ và được làm chính mình.
Cao Thị Hồng Phương