Sáng 27/12, Bộ KH&CN, UBND TP.HCM và Sở TT&TT TP.HCM tổ chức Hội thảo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công.
Dùng công nghệ giảm thủ tục hành chính cho người dân
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, nhận định tình hình chuyển đổi số tại thành phố trong năm 2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, lãnh đạo các ban ngành đã nhận thức được việc phải có cơ sở dữ liệu dùng chung, cùng với việc ứng dụng dữ liệu trong quá trình ra quyết định.
Thành phố đã có một số ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực công. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tư pháp đã có 4 loại hồ sơ hộ tịch của người dân có thể được thực hiện bất kỳ đâu, không phụ thuộc nơi cư trú. Tổng đài 1022 có thể xử lý các phản ánh của người dân theo thời gian thực. Công bố hệ thống dashboard giúp chính quyền thành phố ra quyết định dựa trên dữ liệu…
Trong năm 2023, thành phố nêu 2 mục tiêu quan trọng cần thực hiện trong mảng dữ liệu số. Trong đó, đặt mục tiêu người dân khi giao tiếp trên cổng dịch vụ công chỉ cần phải cung cấp thông tin một lần. Thêm vào đó, cơ quan nhà nước từ thông tin thu thập được có thể ra quyết định dựa trên dữ liệu và theo thời gian thực. Đồng thời, chính quyền có hệ thống xử lý để giảm thiểu các báo cáo thủ công.
Riêng trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thành phố đã triển khai một số ứng dụng trên địa bàn. Ví dụ, chính quyền quận 1 đã ứng dụng định danh điện tử, Công an thành phố áp dụng camera AI trong giám sát an ninh, HĐND TP đã có công cụ để rút ngắn thời gian thẩm tra, và nhiều phường đã ứng dụng chatbot, callbot trong giải đáp thắc mắc của người dân.
Dù vậy, lãnh đạo Sở TT&TT TP.HCM thừa nhận việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các vấn đề của thành phố chưa nhiều, chưa đồng bộ và bài bản.
Phải dùng AI để cải tiến hoạt động của TP.HCM
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu rõ trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ hàng đầu để tháo gỡ các tắc nghẽn trong khu đô thị lớn như TP.HCM. Thành phố xác định trong năm 2023 chú trọng cải cách hành chính và thúc đẩy đầu tư an ninh, an toàn xã hội. Một trong những trọng tâm là thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao và AI để nâng cao chất lượng quản lý.
Trong quá trình thực hiện, Sở TT&TT cùng với Sở KH&CN đóng vai trò quan trọng nhất. Do đó, ông Đức chỉ đạo hai sở cần tập trung giải quyết các bài toán cụ thể, ứng dụng thực chất.
“Phải xác định rõ đưa AI vào để cải tiến, cải cách hiệu quả hoạt động của thành phố. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng gắn mác AI lên nền tảng cũ”, Phó chủ tịch TP nhấn mạnh.
TP.HCM có sẵn nhiều tổ chức giáo dục lớn, nhiều doanh nghiệp mạnh, nguồn lực dồi dào trên địa bàn, do đó cần tận dụng, kêu gọi hỗ trợ từ các nguồn lực này để giúp thành phố phát triển.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung giải quyết 3 vấn đề. Đầu tiên là nguồn nhân lực cả ngắn hạn và dài hạn, cũng là bài toán phải giải thường trực. Tiếp đến, cần lập hạ tầng phần cứng lẫn phần mềm để xây dựng lên dữ liệu, từ đó khai thác lại nguồn dữ liệu phát sinh. Cùng với đó, phải thường xuyên nghiên cứu các vấn đề xảy ra trong thực tiễn vận hành thành phố nhằm nêu các bài toán, mời gọi các tổ chức tham gia giải quyết.
Cần làm thực chất, không hình thức
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhận định, TP.HCM là địa phương có đầy đủ điều kiện để thực hiện hầu hết các chiến lược chuyển đổi số của quốc gia. Thành phố nên đi đầu trong ứng dụng công nghệ, đồng thời thúc đẩy hành lang pháp lý nhằm ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Chia sẻ chung quan điểm với lãnh đạo TP.HCM, Thứ trưởng Bộ KH&CN khẳng định ứng dụng công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng cần làm thực chất, không hình thức.
Trong hội thảo này, lãnh đạo thành phố và Bộ KH&CN đều thống nhất phải dùng AI để giải quyết các vấn đề thực tiễn cho thành phố lẫn cả nước, không dùng các từ ngữ cao siêu mang tính hình thức. Từ đó, thành phố nêu các vấn đề gặp phải và mời gọi các nguồn lực trong và ngoài nước cùng chung tay thực hiện.