Trên thực tế, việc triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp thường mất nhiều thời gian hơn thế do nhiều yếu tố khách quan như khoảng cách địa lý, giao thông đi lại…
Ngược lại, theo thống kê của các chuyên gia phòng cháy chữa cháy (PCCC), thời điểm vàng trong công tác chữa cháy là dưới 5 phút kể từ khi đám cháy khởi phát. Do đó, việc tận dụng thời điểm vàng này để chữa cháy là rất quan trọng.
Vì vậy, việc chú trọng phát triển các mô hình PCCC tại chỗ như: Tổ liên gia an toàn PCCC hay Điểm chữa cháy công cộng được xem là giải pháp quan trọng trong việc tận dụng thời gian vàng để chữa cháy.
Những mô hình này sử dụng lực lượng tại chỗ, tức là chính người dân tại khu vực xảy ra cháy, làm nòng cốt. Trong các tình huống xảy ra sự cố cháy nổ, việc huy động sức mạnh của toàn dân tham gia vào công tác PCCC là rất cấp bách.
Việc trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy, kỹ năng xử lý đám cháy và ứng biến cho người dân sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Tại Thanh Hóa, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC được nhân rộng theo hình thức tự phòng, tự quản, được thành lập bởi các gia đình sống liền kề nhau. Bên cạnh việc trang bị các thiết bị chữa cháy cần thiết, các hộ tham gia vào mô hình này còn được lắp đặt chuông báo cháy, nút báo cháy.
Do đó, khi xảy ra sự cố, chỉ cần một gia đình ấn nút, các gia đình khác cũng nhận được cảnh báo về cháy nổ để kịp thời huy động nguồn lực dập tắt đám cháy.
Trong khi đó, các ngõ nhỏ hẹp, nơi xe chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận sẽ được triển khai mô hình Điểm chữa cháy công cộng để người dân có thể kịp thời tận dụng thời gian vàng chữa cháy trước khi nhận được sự hỗ trợ của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, chỉ trong vòng chưa đầy một năm triển khai hai mô hình này, trên địa bàn tỉnh đã thiết lập được hơn 800 Tổ liên gia an toàn PCCC và hơn 700 Điểm chữa cháy công cộng. Các mô hình này được phủ khắp ở các xã, thị trấn trên toàn tỉnh.
Với phương châm 4 tại chỗ, đây chính là lực lượng nòng cốt, là những cánh tay nối dài của các cấp chính quyền trong công tác PCCC. Do đó, việc nhân rộng các mô hình này là điều cần được chú trọng, đặc biệt là ở những khu dân cư đông đúc, những khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao để kịp thời tận dụng thời gian vàng chữa cháy.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa, hai mô hình PCCC trên địa bàn tỉnh là Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng đã mang lại những tín hiệu tích cực khi những vụ cháy tại các khu dân cư đã được các tổ liên gia triển khai chữa cháy kịp thời. Do đó, các cấp ủy tiếp tục thực hiện những biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia, hưởng ứng hai mô hình này.
Theo vị đại diện này, công tác PCCC là trách nhiệm và nghĩa vụ không chỉ của chính quyền mà còn của toàn dân, việc xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng chính là sự phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân trong cuộc chiến với “giặc lửa”.