Từ trước tới nay, bạo lực trong game luôn là một trong số những vấn đề cực kỳ nóng và tốn không ít giấy mực của báo giới nói chung, các bậc phụ huynh cũng như chính những game thủ chúng ta nói riêng. Dĩ nhiên, cộng đồng game thủ luôn đóng vai trò quan trọng giữa những tranh cãi không hồi kết xoay quanh những tựa game sở hữu những hình ảnh mang tính bạo lực.

 

Vào chiều qua, Bethesda đã tung quả bom mở màn hội chợ game E3 2015. Trong số đó, dĩ nhiên tôi có thiện cảm và ngóng đợi nhất đối với Fallout 4, thế nhưng thứ khiến tôi bị ấn tượng nhất lại là phiên bản thứ tư của Doom, tựa game đã định hình cả thế giới game như ngày nay.

Năm phút đồng hồ của những cảnh hành động điên cuồng. Tôi có cảm nghĩ như chàng lính được Bethesda lập trình giống như một gã khốn đúng nghĩa, chạy loăng quăng khắp bản đồ và sát hại những “sinh linh địa ngục”, những kẻ gần như chẳng có khả năng chạm được vào người kẻ được trang bị vũ khí tận răng.

 

Máu ở khắp mọi nơi, những cảnh cận chiến kiểu “xé xác”, lấy máy cưa “xử quái” không hề thiếu, và có vẻ như anh lính của chúng ta thậm chí còn nhẫn tâm giật đứt cả cánh tay của một xác người gần đó chỉ để lấy vân tay hoàn thành nhiệm vụ. Tương đối máu lạnh, và những hình ảnh đó bản thân tôi cũng không tiện chia sẻ ngay tại đây. Đối với tôi, đã mắt đã tay cũng có, nhưng phản cảm cũng có. Đó chính là một trong những ví dụ cụ thể nhất của bạo lực trong game.

Những chia sẻ với nhiều chiều ý kiến đã được ghi nhận. Tuy nhiên bài viết của tôi ngày hôm nay sẽ không phải nơi phân tích và đưa ra những luồng ý kiến như vậy. Thay vào đó, một lần nữa chúng ta sẽ nhìn lại chủ đề đã khiến những cuộc tranh luận giữa cộng đồng trở thành không có hồi kết: Bạo lực trong game nói riêng, cũng như trong những tác phẩm giải trí nói chung.

Câu chuyện bạo lực trong game, phim ảnh, truyện tranh,… hoàn toàn chẳng phải là điều gì quá mới mẻ để đem ra bàn bạc. Chỉ tính riêng ở thị trường Việt Nam, kể từ khi những tựa game online đầu tiên đặt chân đến dải đất hình chữ S, chủ đề bạo lực trong game đã được đem ra và biến thành chủ đề từ thảo luận đến… tranh cãi. Dĩ nhiên là mỗi người một ý kiến, và họ đều bảo vệ cho ý kiến của mình, cũng như tựa game mình yêu thích.

 

Nhắc tới bạo lực, thì 9 trong số 10 game thủ Việt sẽ nghĩ tới một trong những series game đình đám và cũng gây ra nhiều tranh cãi nhất trên thế giới: Grand Theft Auto, hay game thủ Việt còn được biết tới với phiên bản đầu tiên họ được chơi tại những quán game từ thời chưa có internet: Vice City.

Những cậu bé tuổi… mẫu giáo hàng ngày ra tiệm net với vài nghìn lẻ xin được của mẹ, của bà, và đắm chìm trong thế giới của gã gangster Tommy Vercetti. Từ lái xe với phong cách “dân tổ”, tới việc cầm vũ khí hạ sát những người vô tội, dĩ nhiên những hình ảnh này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhân cách đang thành hình của các em.

 

Khi theo dõi những bộ phim hành động, hay những tựa game hiện tại, không ít người sẽ nhận ra cái “bạo lực giải trí” như vậy. Từ cảnh gã tỷ phú Tony Stark trong lốt Iron Man tả xung hữu đột, đến việc Kratos trong God of War hạ sát thẳng tay hàng tá đối thủ không chút chùn tay khiến không ít ông bố bà mẹ cảm thấy lo lắng vì con cái mình sa đà vào những tựa game, những bộ phim đầy chất bạo lực như vậy.

Thế nhưng trong khi đó, những game thủ của chúng ta thì vẫn hàng ngày hàng giờ đắm chìm trong những bối cảnh như vậy. Vô hình chung, cái nhìn của xã hội về game cũng thay đổi, mà “công” lớn của sự thay đổi này chính là từ khía cạnh bạo lực của những tựa game như vậy. Ngay cả mẹ tôi cũng có phần ái ngại khi buổi tối tôi đi làm về, bật máy tính lên chơi game. Thi thoảng bà có vào phòng tôi để hỏi han một số chuyện, và đập vào mắt mẹ là cảnh tôi đang tả xung hữu đột giữa bầy quái thú, với những hình ảnh và âm thanh không mấy dễ chịu.

Câu hỏi ở trên đã có câu trả lời từ rất lâu. Game cũng như những tác phẩm giải trí mang thiên hướng bạo lực kỳ thực được tao ra chính từ nhu cầu của thị trường. Nếu không ai thích, thì có lẽ những tựa game bạo lực hay sở hữu những hình ảnh không phù hợp với trẻ nhỏ sẽ chẳng thể nào có đất sống. Thế nhưng như chúng ta đã thấy, GTA V, một trong những tựa game được xếp hạng bạo lực điển hình, đem lại quá nhiều tranh cãi kể từ khi ra mắt lại là một thành công về mặt tài chính, với tổng doanh thu là 1,98 tỷ USD trên toàn thế giới tính đến tháng 5/2014.

 

Bạo lực, ngay cả trong những tác phẩm giải trí, trong đó có game, chẳng bao giờ mang lại giá trị tốt đẹp, điều này cá nhân tôi có thể thừa nhận. Thế nhưng bạo lực là một điều không thể tránh khỏi giữa cuộc sống thực, bên cạnh rất nhiều vấn nạn nan giải khác mà xã hội chưa có cách triệt tiêu hiệu quả.

Thay vào đó, những giá trị của một tựa game hay một bộ phim lại nằm ở cốt truyện và khả năng cảm nhận của mỗi người. Chính vì thế, chính phủ các nước cũng có những bước đi để kiểm soát một cách chặt chẽ những sản phẩm giải trí như thế này.

Những cơ quan phân loại sản phẩm giải trí như ESRB, PEGI hay CERO ra đời cũng vì mục đích như vậy. Họ có trách nhiệm đánh giá những tựa game dựa trên hình ảnh, cách chơi và phân loại chúng. Nhờ vào đó, các bậc cha mẹ có thể dựa vào đánh giá như vậy để chọn mua cho con cái mình những tựa game phù hợp với lứa tuổi.

 

Tại Việt Nam, những ông bố, bà mẹ trẻ cũng đã bắt đầu dựa vào những con số này để tìm game cho con cái mình. Bạn hoàn toàn có thể thấy những cô bé, cậu bé nhún nhảy trước Kinect của Xbox 360 hay cùng nhau thưởng thức một màn chơi trong Super Mario Bros với sự yên tâm tuyệt đối của các bậc phụ huynh.

Kết lại vấn đề, bạo lực mang tính giải trí sẽ chỉ có đất sống khi chúng ta có được một cơ quan kiểm duyệt và đánh giá các tác phẩm giải trí hoạt động một cách hiệu quả và trở thành hoa tiêu giúp cho cộng đồng dựa vào đó để lựa chọn những bộ phim, những cuốn sách hay là cả những tựa game phù hợp với độ tuổi.

Majin (GameSao.vn)