Đến thăm quán net cực khủng ở Thái Lan
Tranh thủ những phút nhàn rỗi tại Bangkok, Thái Lan, chúng tôi đã nhanh chóng đi tìm một phòng máy chơi game tại khu vực thủ đô đất nước Triệu Voi. Và rồi chúng tôi bất ngờ nhận ra một điều, người dân tại thành phố này hầu hết đều sinh sống ở những khu vực khá xa trung tâm thành phố, nơi vốn chỉ có các trung tâm thương mại, chợ, nhà hàng khách sạn và địa điểm vui chơi giải trí tọa lạc. Và thế là mất vài tiếng đồng hồ, nhờ sự trợ giúp của vài người, cả bản xứ lẫn đồng hương, chúng tôi mới tìm được một phòng máy chơi game để đem tới cho các bạn độc giả những hình ảnh vô cùng quý giá.
Nói thì các bạn có thể không tin, vì nhiều người cứ chạy ra cửa vài bước chân là sẽ thấy quán net, chúng tôi đã phải di chuyển tới... 12km để đến phòng máy chơi game gần nhất! Cũng may, so với Việt Nam, taxi ở đây tương đối rẻ nên việc di chuyển không phải điều đáng lo cho lắm.
Và trên đây chính là cửa ra vào của GLP. Quán net có tên đầy đủ là Gspeed Living Plus, một phòng máy chơi game chuẩn Nvidia Gold tại Bangkok. Một địa chỉ khác mà nhân sự của Nvidia tại Thái Lan cho chúng tôi biết, đó là Mine Cafe by Jib, một phòng máy cũng rất nổi tiếng, nhưng cách chúng tôi những... 30km! Thế mới biết, để chiến game, anh em game thủ đất nước láng giềng phải khổ như thế nào! Vừa đến nơi thì tôi cũng thấy 3 anh chàng, ăn mặc cũng casual, dáng gầy gầy đúng chất game thủ đứng bắt taxi đi về, và có lẽ đó là minh chứng rõ ràng nhất của việc "chơi cũng lắm công phu".
Như các bạn có thể thấy, bảng giá giờ chơi của GLP được treo ngay trên cửa ra vào: Một tiếng 20 Baht, mua trên 3 tiếng thì có giảm giá (dĩ nhiên, quán nào cũng vậy cả). Đứng lẩm nhẩm tính toán tỷ giá một lát thì ra kết quả là 13.300 Đồng. Hơn 13 nghìn cho một giờ chơi game tại đây các bạn ạ! Trước đó thì cũng vẫn xác định sẵn tư tưởng trong đầu rằng giá phòng net tại Việt Nam là rẻ vô đối rồi, làm gì có ai dám sánh vai nữa. Thế nhưng so với cyber cao cấp tại nước ta thì 13 nghìn Đồng là gần gấp đôi, nếu các bạn vẫn còn chưa có một phép so sánh cụ thể.
Thế nhưng khi bước vào trong, một cảnh tượng vô cùng lạ lẫm hiện ra. Chỉ có chưa đầy 100 máy, nhưng không gian của phòng máy này lại rộng đến khủng khiếp, chứ không chen lấn chật chội như nhiều địa chỉ ở Việt Nam. Vào quầy dịch vụ hỏi mua giờ chơi, tiếc một nỗi, anh chàng nhân viên ca trực lại... không biết tiếng Anh (cũng như chúng tôi không biết tiếng Thái Lan), vậy là phải nhờ đến Google Translate ra tay cứu giúp. Có vẻ công cụ dịch thuật của gã khổng lồ cũng làm tốt nhiệm vụ đặt ra, vì mới chỉ gõ 1 câu mà tôi đã mua được mẩu giấy nho nhỏ như thế này:
Sau khi bỏ đồng xu 20 Baht trong túi quần, anh chàng nọ đưa tôi mẩu giấy có mã ID và password đăng nhập vào máy tính. Tôi không có thói quen lựa chọn lâu, nên chạy thẳng ra máy gần nhất có cái sofa rất là sang, dù không hợp với phong cách game thủ cho lắm, nhưng phải khẳng định là vừa sang trọng vừa thoải mái, ngồi rất êm.
Như một thói quen, tôi bật mã lệnh DirectX Diagnostics và Computer Properties lên để xem cấu hình máy cỡ nào, mà anh bạn tóc dài đô con ở quầy lễ tân đòi của tôi những 20 Baht cho 1 giờ chơi game. Và phải khẳng định, đến chính tôi còn không tin vào mắt của mình:
Bạn nhìn không nhầm đâu. Quán net ở Thái Lan, hay chí ít là tại GLP, chủ phòng máy dùng hẳn... Xeon E5-2670, 8 nhân 16 luồng để phục vụ game thủ. Ấy thế mà cứ ngỡ ở nhà dàn máy chạy i7 6700K đã là oách lắm rồi, ai ngờ đâu người mê game tại Thái Lan còn được chiến game bằng... CPU chuyên dụng render và sử dụng trong các cụm máy chủ. Ấy là chưa kể 32GB RAM, card đồ họa GTX 1060 cùng nguyên cả dàn gaming gear của Logitech nữa. GTX 1060 về cơ bản là đủ dùng để chơi hầu hết mọi game ở độ phân giải 1080p, nên tôi cũng không có phàn nàn gì, và cũng vì đang choáng vì có nơi người ta dùng CPU 5 năm về trước từng có giá 30 triệu để mở quán net!
Bật menu game, bất chợt đập vào mắt chúng tôi là rất nhiều game online từng làm mưa làm gió thị trường Việt Nam trước khi bị cơn bão game kiếm hiệp vùi dập. Những cái tên kinh điển một thời giờ đây vẫn chẳng thiếu người chơi tại thị trường game Thái Lan: Cabal 2, Rohan, Ragnarok Online, Flyff, Granado Espada, Yulgang... Chúng tôi như có cảm giác quá khứ gần chục năm về trước ùa về khi nhìn thấy bảng menu game dưới đây:
Suýt thì quên, chúng tôi đã thử tìm rồi, muốn chơi Battlegrounds thì phải đăng nhập Steam cài từ đầu, chứ phòng máy chưa cài đặt game hot này!
Tuy nhiên khi trao đổi với quản lý phòng máy, anh cho biết kỳ thực tại Thái Lan giờ đây (dĩ nhiên là) Liên Minh Huyền Thoại, kế đến là DOTA 2, CS:GO và World of Tanks, dựa theo ghi nhận của anh qua những tựa game khách tới thưởng thức.
Thế nhưng tại một thị trường chuộng game online không thua gì Việt Nam, phòng máy vẫn phải đủ game, và đó là lúc chúng tôi mở danh sách game offline với hằng hà sa số tựa game hay cho game thủ tha hồ chọn. Thậm chí tại đây, mỗi máy ở dãy chơi game "thư giãn" (với cái ghế sofa tôi đã mô tả ở trên) còn có cả tay cầm Xbox 360 để chơi game offline nữa cơ! Trong khi đó dãy máy eSports với ghế chơi game thì chỉ có chuột bàn phím mà thôi.
Đã nhắc đến cày đêm thì không thể thiếu được đồ ăn đêm, và giờ đây cũng ít ai ra quán net "cày chay" mà không gọi dịch vụ của quán. Nếu như tại Việt Nam, các ông chủ phòng máy đầu tư hẳn phòng bếp và thuê người làm đồ ăn cho khách đến quán, thì tại Thái Lan, chỉ cần vỏn vẹn một giá treo vài chục loại mỳ cũng như đồ ăn vặt, nước sôi game thủ tự lấy, nước gọi phục vụ ghi lại và thu tiền, nhanh gọn chẳng kém gì vào Circle K cả. Cách tự phục vụ như thế này cũng khiến game thủ không phải chờ đợi, vì "muốn ăn thì lăn vào bếp", tự phục vụ chính bản thân mình.
Quán phục vụ cả... trà sữa trân châu và nhiều món ăn khác, ở đây có cả đặc sản xôi xoài của người Thái Lan nữa!
Các bạn thấy đấy, nếu chỉ nhìn vào bề ngoài, nhìn vào không gian phòng máy, sẽ chẳng có chút khác biệt nào so với mô hình quán net cao cấp tại Việt Nam. Thế nhưng hỏi ra mới biết, thói quen chơi game của người Thái cũng có lắm điều khác biệt mà phải bước chân vào thế giới đó mới nhận ra được...
Theo GenK