Cơ sở chính để đưa ra dự đoán này là nhà văn, nhà phê bình văn học Tàn Tuyết đi đầu phong trào viết tiểu thuyết thực nghiệm ở Trung Quốc. Bà được coi là tác giả tiểu thuyết thực nghiệm nổi bật nhất Trung Quốc, hầu hết tiểu thuyết của bà được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh.
Các tác phẩm của bà, đa phần là tiểu thuyết ngắn, phá vỡ chủ nghĩa hiện thực của những nhà văn Trung Quốc hiện đại trước đó. Bà cũng viết tiểu thuyết dài, truyện ngắn và phê bình văn học về Dante, Jorge Luis Borges, Franz Kafka.
Tàn Tuyết đã dành gần 20 năm làm công nhân, thợ may và bác sĩ, nhưng bà không bao giờ từ bỏ niềm đam mê văn chương của mình và năm 1985 xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên Hoàng Nê Phố (Phố Bùn Vàng).
Giống như các tác phẩm khác, Hoàng Nê Phố có tính biểu tượng cao, được biết đến như cuốn tự truyện về thế giới nội tâm của bà, không dễ dàng được độc giả Trung Quốc chấp nhận và hiểu rõ trong thời kỳ đó, báo Trung Quốc China Daily đưa tin. Nhưng Tàn Tuyết chưa bao giờ ngừng theo đuổi phong cách riêng của mình.
“Vật lộn bên bờ vực cái chết”
Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh năm 1953, tại tỉnh Hồ Nam trong một gia đình có 6 người con. Bố bà từng là Tổng biên tập Nhật báo Hồ Nam mới.
Biến cố gia đình xảy ra, mẹ và hai anh trai phải về nông thôn, bà được ở lại thành phố vì sức khỏe yếu. Sau khi bị buộc rời khỏi túp lều nhỏ, ở tuổi 13, bà phải sống một mình trong căn phòng nhỏ, tối tăm dưới gầm cầu thang. Hoàn thành chương trình tiểu học xong, việc học chính thức của bà bị gián đoạn,
Tàn Tuyết mô tả chi tiết những ngày khốn khổ thời thơ ấu trong cuốn hồi ký có tựa đề A Summer Day in the Beautiful South (tạm dịch: Một ngày hè ở miền Nam tươi đẹp) được dùng làm lời tựa cho tuyển tập truyện ngắn Dialogues in Paradise (tạm dịch: Đối thoại ở thiên đường).
Trong suốt thời gian này, cả gia đình bà “vật lộn bên bờ vực cái chết”, thiếu đói trầm trọng, phải ăn cả quần áo len để sinh tồn. Tàn Tuyết mắc bệnh lao nặng. Sau đó, bà làm thợ kim loại. Mười năm sau, năm 1980, sau khi sinh con trai đầu lòng, bà nghỉ việc ở nhà máy. Bà và chồng tự học may vá rồi mở hiệu tại nhà.
Tàn Tuyết bắt đầu viết văn vào năm 1983 và xuất bản truyện ngắn đầu tiên Bong bóng xà phòng trong nước bẩn vào tháng 1/1985. Cùng năm đó, bà viết thêm hai truyện ngắn là Bò đực và Túp lều trên đồi.
Lúc này bà chọn bút danh Tàn Tuyết. Cái tên có thể được hiểu là lớp tuyết cứng đầu, bẩn thỉu còn sót lại vào cuối mùa đông hoặc phần tuyết còn sót lại trên đỉnh núi sau khi tuyết đã tan gần hết.
Xuất bản dưới bút danh cho phép, Tàn Tuyết viết mà không tiết lộ giới tính của mình. Theo ông Lu Tonglin, Giáo sư Văn học so sánh tại Đại học Montreal (Canada), khi các nhà phê bình phát hiện Tàn Tuyết là phụ nữ, họ cảm thấy khó chịu. Một số người thậm chí còn cho rằng đầu óc bà có vấn đề.
Năm 2002, bà kể: “Rất nhiều nhà phê bình ghét tôi, hoặc ít nhất họ chỉ im lặng, hy vọng tôi sẽ biến mất. Không ai thảo luận về tác phẩm của tôi, vì họ không đồng ý hoặc không hiểu”. Tuy nhiên, sau đó, nhiều nhà phê bình bắt đầu ca ngợi tác phẩm của Tàn Tuyết.
Phong cách trừu tượng, hình thức kể chuyện độc đáo
Phong cách trừu tượng và hình thức kể chuyện độc đáo của Tàn Tuyết thu hút rất nhiều sự chú ý của các nhà phê bình trong những năm 1990. Có không ít cách giải thích khác nhau về tác phẩm của bà đã được xuất bản.
Nhiều người liên tưởng các hình ảnh, câu truyện trong một số truyện ngắn đầu tiên của bà với vấn đề chính trị. Nhưng Tàn Tuyết phủ nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Không có mục đích chính trị nào trong tác phẩm của tôi”.
Nữ nhà văn coi mỗi câu chuyện như một loại thử nghiệm cuộc sống mà bà là chủ đề: “Trong những tầng rất sâu, tất cả các tác phẩm của tôi đều là tự truyện”.
Tàn Tuyết cũng viết một phần lời nhạc kịch cho ít nhất một vở opera. Năm 2010, bà cùng Lin Wang đồng sáng tác lời nhạc kịch cho vở opera thính phòng đương đại Die Quelle. Vở kịch dựa trên truyện ngắn Cuộc sống hai mặt đã xuất bản của Tàn Tuyết.
Thành tựu
Các tác phẩm của Tàn Tuyết thường được so sánh với những buổi biểu diễn, khiêu vũ hoặc nghệ thuật thị giác.
Tiểu thuyết gia và biên tập viên người Mỹ Bradford Morrow mô tả bà là một trong những tác giả “sáng tạo nhất và quan trọng nhất” trong văn học thế giới đương đại, báo Mỹ The New Yorker đưa tin.
Tàn Tuyết đã xuất bản một số lượng lớn tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận phê bình, nhiều cuốn trong số đó đã được dịch sang tiếng Anh.
Tiểu thuyết, truyện dài của bà gồm có: Phố Ngũ Hương, Người tình cuối cùng, Biên giới, Những chuyện tình thế kỷ mới, Bác sĩ chân trần, Đám mây trôi cũ, Hoàng Nê Phố (Phố Bùn Vàng), Cây táo ở hành lang, Chuyến tàu bí ẩn…
Với tiểu thuyết Người tình cuối cùng, Tàn Tuyết giành Giải thưởng Sách dịch hay nhất năm 2015. Đây là một giải thưởng văn học của Mỹ.
Tiểu thuyết Những chuyện tình thế kỷ mới được trao Giải Sách Quốc tế (International Booker Prize) năm 2019. Đây là giải thưởng văn học quốc tế do nước Anh chủ trì.
Tác phẩm Tôi sống trong khu ổ chuột của bà đoạt Giải Sách Quốc tế năm 2021.
Một số tác phẩm của Tàn Tuyết được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam như tập truyện ngắn Đào nguyên ngoài cõi thế, hai truyện dài Hoàng Nê phố và Bảng lảng trời xanh, tiểu thuyết Những chuyện tình thế kỷ mới… Tác phẩm Phố Ngũ Hương cũng sắp được xuất bản bằng tiếng Việt.
Ngoài Tàn Tuyết, những nhà văn có khả năng đoạt giải Nobel Văn chương 2023 còn có Haruki Murakami (Nhật Bản), Jon Fosse (Na Uy), Gerald Murnane (Úc), Anne Carson (Canada), Ludmila Ulitskaja (Nga), Mircea Cartarescu (Romania), Ngugi wa Thiong’o (Kenya), Thomas Pynchon (Mỹ), Cesar Aira (Argentina)… |
Linh Nhi