Báo cáo của Ủy ban châu Âu công bố cuối năm 2023 cho thấy tổng chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của 2.500 công ty hàng đầu trên toàn thế giới đạt tổng cộng 1.360 tỷ USD vào năm 2022. Trung Quốc chiếm 17,8%, vượt qua châu Âu (17,5%) và chỉ xếp sau Mỹ (42,1%).
Tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực này là điều không thể phủ nhận, vì năm 2012 tỷ lệ chi tiêu cho R&D của nước này không vượt quá 4,3% giá trị toàn cầu.
Huawei là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy sự gia tăng giá trị chi tiêu cho R&D của Trung Quốc. Công ty đã đầu tư 22,7 tỷ USD vào năm 2022, tăng 11% so với năm 2021, đứng đầu trong số các công ty Trung Quốc và thứ 5 trên thế giới.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và những trở ngại ngày càng tăng khác, Huawei đang phân bổ 10-20% doanh thu cho hoạt động R&D, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn để định vị tương lai của mình trong thị trường có tính cạnh tranh cao.
Những gã khổng lồ internet như Tencent (xếp thứ 2 về chi tiêu cho R&D của Trung Quốc) và Alibaba (xếp thứ 3) cũng đang mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến AI.
Các công ty chi tiêu R&D hàng đầu khác của Trung Quốc bao gồm các công ty cơ sở hạ tầng lớn như China State Construction Engineering và China Railway Group, cũng như các nhà sản xuất ô tô như SAIC và BYD.
Mỹ tiếp tục là quốc gia thống trị toàn cầu về chi tiêu cho R&D với thị phần luôn dao động quanh mức 40% trong hơn một thập kỷ qua.
Các công ty Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, cũng đang đầu tư lớn vào R&D. Alphabet, công ty mẹ của Google, đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu, tiếp theo là Meta, công ty mẹ của Facebook, ở vị trí thứ 2, Microsoft ở vị trí thứ 3 và Apple ở vị trí thứ 4.
Nhiều ngành công nghiệp khác có đại diện của các công ty Mỹ trong bảng xếp hạng, bao gồm dược phẩm và ô tô, nhưng tốc độ tăng trưởng tổng thể về chi tiêu R&D của các ngành này ở Mỹ thấp hơn so với Trung Quốc.
Đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược dưới sự định hướng của nhà nước giúp tăng cường chi tiêu R&D của các công ty Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành cường quốc khoa học và công nghệ vào năm 2050, đầu tư vào các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực bao gồm chất bán dẫn và xe điện.
Châu Âu và Mỹ ngày càng cảnh giác với các công ty Trung Quốc. Ủy ban Châu Âu vào tháng 10/2023 đã bắt đầu một cuộc điều tra tập trung vào các khoản trợ cấp của Bắc Kinh đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào châu Âu.
Mỹ cũng đã bắt đầu xem xét lại việc mua sắm các loại chip thông thường, kém tiên tiến hơn từ Trung Quốc.
(Theo OL)