Đó là đề nghị của ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban đối ngoại Quốc hội đưa ra tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định ngày 6/7.
Tại buổi làm việc, một số đại biểu thuộc đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, tỉnh Bình Định cần sớm đề xuất xây dựng hệ thống dữ liệu người lao động ở nước ngoài để nắm vững thông tin và quản lý công dân. Ngoài ra, cần tập trung xác định rõ từng tàu cá, chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài để có biện pháp quản lý lâu dài, chấm dứt tình trạng vi phạm.
Từ năm 2020 đến nay, tình hình tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ giảm mạnh. Tuy nhiên, công tác phối hợp chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý các tàu thuyền vi phạm thiếu chặt chẽ, quyết liệt. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử phạt hành vi tàu cá khai thác trái phép, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa đồng bộ, kịp thời.
Phó Chủ nhiệm Ủy Ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị các bộ, ngành Trung ương tăng cường hỗ trợ tỉnh Bình Định trong việc quản lý tàu cá, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài để sớm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
“Sự phối hợp giữa địa phương với các bộ ngành rất mật thiết nhưng chưa chặt chẽ. Cần tăng cường phối hợp giữa các địa phương để giải quyết vấn đề nóng và nổi cộm.
Các sở ngành địa phương chủ động ra ngoài Trung ương đặt vấn đề, nêu câu hỏi, thậm chí là đề nghị hỗ trợ. Chúng ta cùng nhau vượt qua và sớm tới là chống khai thác IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý). Cơ bản nhất là chúng ta sẽ xây dựng tiêu chuẩn áp vào thế giới, không để người ta áp tiêu chuẩn của người ta vào mãi được”, ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Võ Thị Như Hiền cho biết, hiện có khoảng 13.731 người Bình Định đang định cư ở nước ngoài gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Philippines, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Hàn Quốc…
Theo bà Hiền, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và cơ quan chức năng có liên quan xử lý kịp thời những vụ việc liên quan đến công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài; chỉ đạo sở, ban, ngành chủ động trong công tác phối hợp với cơ quan ngoại giao trong và ngoài nước, tiếp nhận kịp thời phản ánh của công dân địa phương liên quan đến chính sách bảo hộ cho công dân…