Theo đó, trong 2 ngày 6-7/11, đoàn công tác của Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường làm trưởng đoàn đã tham dự cuộc họp cấp cao giữa Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc và thành viên Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG).
Cuộc họp cấp cao tăng cường hợp tác quốc tế giữa Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc và thành viên Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN với mục tiêu: Chia sẻ hiện trạng và thách thức về dịch vụ thời tiết và khí hậu; Xác định các ưu tiên hợp tác và phối hợp hiệu quả giữa KMA và ASEAN SCMG; Đề xuất xây dựng các dự án quốc tế mới và các chương trình đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực mô hình dự báo số khu vực.
Thông qua cuộc họp, Việt Nam mong muốn chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, công nghệ mới về dự báo thời tiết mô hình số, tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực khí tượng thủy văn, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và thành viên ASEAN.
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp cấp cao giữa Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc và thành viên Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN, Đoàn công tác của Việt Nam sẽ có Cuộc họp song phương lần thứ 7 giữa Tổng cục KTTV và Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc.
Trước đó, trong tháng 10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng đã phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Sử dụng thông tin khí tượng thủy văn cho phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường nhấn mạnh: Trong vài thập kỷ gần đây, theo các đánh giá và theo dõi của các nhà khoa học, các hiện tượng có quy mô toàn cấu như El Nino, La Nina, biến đổi khí hậu, hay hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, nằm trong khu vực gió mùa châu Á, chịu nhiều tác động của các loại thiên tai như bão, lũ, lụt, mưa lớn, hạn hán, gió khô nóng… đặc biệt là bão và các hệ quả mưa lớn sau bão.
Các loại thiên tai ở Việt Nam càng ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn về cường độ, biến động nhiều hơn về tần xuất xuất hiện và khu vực ảnh hưởng. Vì vậy, những thiệt hại về người và của cũng có xu hướng gia tăng.
Trước tình hình đó, nhu cầu và tầm quan trọng của công tác phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng gây ra bởi thiên tai đã được nhận biết và hiện thực hóa thông qua các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho các đơn vị chức năng.
“Trong số các đối tác của Việt Nam thì Nhật Bản luôn là người bạn đáng tin cận, hỗ trợ rất nhiều cho chúng ta trong các lĩnh vực phát triển vì cộng đồng nói chung và lĩnh vực phòng, tránh thiên tai nói riêng.
Đại diện cho chính phủ Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn, Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT và nhiều đơn vị ban ngành khác, cùng triển khai các hoạt động ứng phó với các thách thức và khó khăn do rủi ro thiên tai mang lại”, ông Hoàng Đức Cường nói.
Hiện nay, các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục đã có những bước phát triển về khoa học, kỹ thuật, công nghệ để đưa ra được rất nhiều các sản phẩm và thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ các dữ liệu nghiệp vụ sang các thông tin thân thiện với người dùng, đảm bảo sự tin cậy cho các cảnh báo, dự báo thiên tai vẫn chưa thực sự tối ưu.
Ông Cường hi vọng sự hợp tác chặt chẽ, sự cố gắng không mệt mỏi cho sự nghiệp phòng, tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai, đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho người dân những vùng còn chịu thiệt thòi bởi thảm họa thiên tai.