Ngày 24/5/2024, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng tổ chức Plan International Việt Nam (Plan) và Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội-Quốc tế (ISET) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường khả năng chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng”. 

thien tai.jpg
Hội thảo Tăng cường khả năng chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng

Theo đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp liên quan về phòng chống thiên tai. Trong đó, việc tăng cường nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai cũng là một trong các mục tiêu quan trọng. 

Cụ thể, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án số 1002 và đến năm 2021, được thay thế bằng Đề án số 553, phê duyệt đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.

ngap lut hue dinh thanh.jpg
Người dân chèo thuyền ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong trận lũ lụt hồi cuối năm 2023

Để thực hiện Đề án, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động tăng cường nhận thức và năng lực cho cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai.

Hội thảo này là chương trình thuộc khuôn khổ dự án Liên minh Khả năng chống chịu lũ lụt Zurich do Quỹ Z Zurich tài trợ, được thực hiện tại Việt Nam bởi tổ chức Plan International và tổ chức ISET. Dự án có sự tham gia của 30 cộng đồng gồm 5 cộng đồng của tỉnh Thừa Thiên Huế, 5 cộng đồng của tỉnh Bình Định, 2 cộng đồng của thành phố Cần Thơ và 18 cộng đồng của tỉnh Quảng Trị với tổng số 166.000 người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp.

Mục tiêu hội thảo nhằm chia sẻ và trao đổi về cách tiếp cận tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu cho cộng đồng; chia sẻ kết quả một số hoạt động thời gian qua và giải pháp tăng cường khả năng chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng và kế hoạch sắp tới.

Quan trắc xói lở bờ biển ở ĐBSCL

Trước đó, cũng nhằm hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về Phòng, chống thiên tai năm 2024, ngày 17/5, Cục Quản lý đê đều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo về Tăng cường năng lực GIS và viễn thám để quan trắc xói lở bờ biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thuộc Pha 2 của dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (MCRP)” với thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2025, sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức, Thụy Sỹ và Úc thông qua tổ chức GIZ.

Tình trạng sạt lở bờ biển tại vùng ĐBSCL đang diễn ra với tần suất nhiều hơn, mức độ thiệt hại nghiêm trọng hơn. Dự án này sẽ tăng cường năng lực giám sát và sử dụng viễn thám để quan trắc tình trạng xói lở ở ĐBSCL để từ đó hỗ trợ ra các quyết định ứng phó.

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn trình bày về các ứng dụng, công nghệ về GIS và viễn thám liên quan đến quan trắc xói lở bờ biển, đồng thời trao đổi về chương trình, kế hoạch đào tạo dự kiến để hoạt động đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn.