Sáng 13-11, với đa số đại biểu tán thành (93,19% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó, Quốc hội quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương, ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Tại Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Quốc hội quyết nghị sẽ ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, dự kiến sẽ điều chỉnh lương hưu từ ngày 1-1-2022 cho các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, mức điều chỉnh khoảng 7,4%. Đây là nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt là trước tác động bởi dịch bệnh. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu cho các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, là 12.650 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ bổ sung cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 gần 3.650 tỉ đồng. Riêng đối với những người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn 2,5 triệu đồng thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung cho những đối tượng này, bảo đảm mặt bằng chung mức lương thấp nhất là 2,5 triệu đồng.
Nhân viên bưu điện chi trả lương hưu tại nhà cho người dân tại TP HCM Ảnh: Việt Dũng |
Liên quan đến vấn đề này, nhiều độc giả Báo Người Lao Động cho rằng đây là đề xuất mang tính nhân văn. Một bạn đọc tên Lễ viết: "Các cụ nghỉ hưu trước năm 1995 này cũng trên 80 tuổi cả rồi, ưu tiên cho các cụ là đúng, rất nhân văn. Trước năm 1995 lương còn thấp, cuộc sống cơ cực nên ưu tiên cho các cụ.
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Nguyễn Oanh cho rằng số tiền lương khi nghỉ hưu đã được tính số công sức trong quá trình công tác, vì vậy khi tăng lương hưu nên tăng theo số lượng tiền cụ thể như tăng 500.000 hay 1 triệu, 2 triệu... cho tất cả các đối tượng hưu trí chứ không nên tính theo tỉ lệ %, như vậy sẽ công bằng hơn".
Bạn đọc Phan Thảo Hạnh bày tỏ. "Cạnh nhà tôi có bác nghỉ hưu quân đội từ năm 1994 lương hiện hưởng trên 11 triệu đồng/tháng nay tăng thêm 7,4% liệu có bất cập với đời sống cán bộ công chức hưởng hết bậc chuyên viên chính nghỉ hưu?".
Một bạn đọc tên Hùng đặt cây hỏi: "Nếu về hưu năm 1995 thì đến năm 2022 là gần 87 tuổi, không biết có bao nhiêu người kịp hưởng?. Tương tự, bạn đọc tên Nguyên bày tỏ: "Những người nghỉ hưu trước 1995 đến năm 2022 nam thì ít nhất 87 tuổi, nữ ít nhất 82. Còn bao nhiêu người?
Bạn đọc Hồ Hữu Thiện thì góp ý: "Trước đây có đợt điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, đối tượng nghỉ mất sức lao động hưởng trợ cấp hàng tháng không được hưởng. Mong sao đợt này đối tượng mất sức lao động hưởng trợ cấp hàng tháng không phải chịu sự phân biệt giữa người nghỉ hưu và người nghỉ mất sức vì khi nghỉ trợ cấp cũng được tính phần trăm của lương hiện hưởng, cũng chịu thiệt thòi như nhau".
Tại dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất điều chỉnh đối với người hưởng lương hưu trước ngày 1-1-1995 có lương hưu dưới 2,5 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chế độ bảo hiểm xã hội đối với những người làm việc và nghỉ hưu trước năm 1995 không hoàn toàn áp dụng nguyên tắc đóng – hưởng mà còn là sự ghi nhận của Nhà nước đối với quá trình công tác của người lao động, để sau khi nghỉ việc họ được hưởng khoản lương hưu, trợ cấp tương ứng với thời gian công tác. Trong những năm qua, vấn đề khắc phục mức chênh lệch lương hưu và lương hưu thấp của những người nghỉ hưu trước năm 1995 đã được từng bước giải quyết.
Cụ thể, trong giai đoạn 2003- 2007, Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% tùy thuộc vào mức tiền lương, hệ số lương trước khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu. Trong đó, những người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 4/1993 được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn.
Riêng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong đó, riêng đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp, triển khai Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15-6-2016.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, mức lương hưu hằng tháng của người lao động cao hay thấp được tính trên cơ sở mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội và thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội khi còn làm việc. "Do chính sách tiền lương, chính sách cán bộ, chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn cải cách, thay đổi nên vẫn tồn tại chênh lệch nhất định trong lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ. Vì vậy, tại Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã nêu rõ, lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước. Đồng thời, quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
(Theo Người Lao Động)
Đóng đủ năm BHXH, lao động nghỉ việc được nhận những khoản tiền nào trước khi đủ tuổi hưu?
Không phải người lao động nào cũng sẽ làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, nhiều người sau khi đã đóng BHXH đủ số năm quy định sẽ chọn nghỉ việc và chờ đến tuổi hưởng lương hưu.