Từ ngày 1/7, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hưởng lương hưu chính thức được áp dụng mức lương tăng mới.
Trong đó, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Lương hưu cũng được điều chỉnh tăng 12,5% và 20,8% đối với nhiều đối tượng.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, sau khi lương tăng, giá cả lại "leo thang"; việc tăng lương không có nhiều ý nghĩa.
Bà Lê Thị Thu ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, kể từ ngày 1/7, mức lương trợ cấp hưu trí hàng tháng của bà sẽ được tăng từ hơn 1,4 triệu lên 1,8 triệu đồng. Số tiền 400 nghìn đồng tuy không lớn nhưng giúp bà có thêm một khoản chi tiêu.
Thế nhưng, thực tế khi chưa được nhận lương thì bà Thu đã thấy rõ, hàng tiêu dùng từ bó rau, con cá đến đồ dùng nước uống… đều tăng.
“Tháng trước, bát phở buổi sáng tôi ăn chỉ 35.000 đồng thì nay đã tăng giá lên 40.000 đồng. Đó là chưa kể đến giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu hàng ngày đều tăng từ 3-5%, nhiều mặt hàng tăng 7-10%”, bà Thu nói.
Chị Nguyễn Thị Dung ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, lương cơ sở được điều chỉnh tăng là điều rất vui với viên chức như chị. Tuy nhiên, ngay khi mức lương được điều chỉnh tăng từ 1/7, thì các khoản chi tiêu thường xuyên trong gia đình chị đã tăng đáng kể.
“Bình thường học phí 1 buổi học thêm của con tôi từ 180.000 - 200.000 đồng nhưng nay đã tăng lên 220.000 đồng, thậm chí có trung tâm tăng lên 250.000 đồng.
Việc các khoản chi thường xuyên như học thêm, mua sách vở cho con vào năm học mới đều tăng khiến tôi lo lương tăng không đủ bù cho các khoản tăng giá”, chị Dung nói.
Khó kiểm soát tăng giá
Chuyên gia lao động - tiền lương Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mức lương được điều chỉnh tăng theo chỉ số tiêu dùng (CPI).
Theo ông Huân, thực tế tình hình giá cả tăng theo lương đã hạn chế hơn so với những lần điều chỉnh trước. Trước đây, hàng hóa khan hiếm. Khi lương cơ sở tăng, hàng hoá cũng “tát nước theo mưa”. Thế nhưng, hiện nay có mặt hàng tăng, mặt hàng giảm, nhà nước cũng đang nỗ lực kiềm chế lạm phát để việc tăng lương đem lại ý nghĩa thiết thực với người lao động.
Lần điều chỉnh này có đối tượng được tăng tới 20,8%. Tuy lớn so với tốc độ tăng CPI 3 năm qua và cả dự tính năm 2023 nhưng mức tăng này dựa trên nền tảng mức lương thấp nên đời sống lao động được cải thiện không nhiều. Với những người sống ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM… thì áp lực tăng giá sau tăng lương là không nhỏ.
Do vậy, cần phải kiềm chế mức tăng CPI khi nguy cơ tăng giá tiêu dùng vẫn còn hiện hữu. Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6 vừa qua, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, điều hành quản lý giá là hoạt động thường xuyên, liên tục.
Một số giải pháp về điều hành giá cụ thể đã được Bộ Tài chính đưa ra như: bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu.
Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp từng thời kỳ.
Các cơ quan chức năng cũng sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai thông báo giá, việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ có thể kiểm soát việc xăng dầu, kiểm soát được vận tải…, nhưng không thể điều chỉnh được giá thịt lợn, giá của một bát phở, không điều chỉnh được giá cả trong sinh hoạt hàng ngày, trong khi những chi phí này không hề nhỏ. Đây là bài toán khó, cần tìm ra lời giải.