Những năm trước, việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng được quy định trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ban hành ngày 27/11/2017, có hiệu lực từ ngày 15/01/2018. Thế nhưng, từ năm nay, với việc ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/1/2022 thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có sự thay đổi về mức xử phạt. Đáng chú ý, hành vi xây nhà không phép, trái phép bị tăng nặng mức phạt.

{keywords}
Nhà xây không phép, trái phép bị tăng nặng mức phạt

Nghị định mới tăng mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Cụ thể: Nghị định cũ (khoản 5, điều 15) phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị. Còn tại nghị định mới (khoản 7, điều 16) mức phạt được nâng lên 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng, tức tăng khoảng 3 lần.

Nghị định cũ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình khác. Nghị định mới mức phạt là 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tức tăng tới 5 – 8 lần.

Nghị định cũ phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng. Theo nghị định mới, mức phạt được tăng lên khoảng 3 – 4 lần, phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng.

Mức xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo cũng tăng nặng. Theo đó, Nghị định cũ (khoản 2, điều 15) phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị. Nghị định mới (khoản 4, điều 16) mức phạt là 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Nghị định cũ phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác. Nghị định mới mức phạt là 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Nghị định cũ phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng. Nghị định mới mức phạt tăng lên 70 triệu đồng đến 90 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tăng mức xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới. Nghị định cũ (khoản 4, điều 15) phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị. Nghị định mới (khoản 6, điều 16) mức phạt tăng lên là 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Nghị định cũ phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác. Nghị định mới mức xử phạt là từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Nghị định cũ phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng. Nghị định mới mức phạt là 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng.

Đặc biệt, nghị định cũ chỉ quy định xử phạt hành vi xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ ở đô thị không có giấy phép xây dựng. Còn nghị định mới quy định xử phạt chung cho cả đô thị và nông thôn đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng.

Về việc xử phạt hành vi đã lập biên bản vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân tiếp tục vi phạm, nghị định mới đã bổ sung quy định về việc cá nhân, tổ chức tiếp tục vi phạm trước khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, tăng mức phạt tối thiểu từ 5 triệu đồng lên 100 triệu đồng và tối đa 350 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Hương Linh 

Xây hơn 6.000m2 không phép giữa thủ đô, phạt chủ đầu tư 40 triệu đồng

Xây hơn 6.000m2 không phép giữa thủ đô, phạt chủ đầu tư 40 triệu đồng

Thi công hơn 6.000m2 không phép chủ đầu tư dự án An Lạc Green Symphopy là Công ty An Lạc do ông Nguyễn Trọng Thông làm Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật bị UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) phạt 40 triệu đồng.