Ồn ào về tăng học phí của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM được sinh viên bàn luận gần đây trên các diễn đàn, mạng xã hội. Tuy nhiên thực chất của việc tăng này được Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thông báo từ tháng 5/2023 trong đề án tuyển sinh của trường.
Khi đó, đề án tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM quy định học phí các ngành đại trà 13-16,25 triệu đồng/học kỳ, tức 26 đến 32,5 triệu đồng/năm.
Các ngành chất lượng cao học bằng tiếng Anh: Ngành Quản lý công nghiệp 23,4 triệu đồng/học kỳ, tức 46,8 triệu đồng/năm; Tất cả các ngành còn lại 26,1 triệu đồng/học kỳ, tức 52,2 triệu đồng/năm.
Các ngành chất lượng cao học bằng tiếng Việt: Ngành Quản lý công nghiệp, Kế toán, Thương mại điện tử là 20,8 triệu đồng/học kỳ, tức 41,6 triệu đồng/năm; Tất cả các ngành còn lại 23,2 triệu đồng/học kỳ, tức 46,4 triệu đồng/năm. Việc tăng học phí này vấp phải phản ứng của sinh viên.
Chiều qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã gặp gỡ sinh viên để đối thoại về việc tăng học phí.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật nói gì?
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã có phản hồi với báo chí về việc tăng học phí. Từ năm học 2017 đến 2020, trường được chính phủ phê duyệt thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Quyết định số 937/QĐ-TTg. Theo Quyết định này, năm học 2019-2020, trường được thu học phí hệ chính quy đại trà với mức thu tối đa là 19 triệu đồng. Năm học 2020-2021, trường thu học phí hệ chính quy đại trà mức tối đa 19,5 triệu.
Ngày 20/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, xác định Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là đơn vị tự chủ tài chính nhóm 1.
Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí … thay thế Nghị định số 86. Theo quy định tại Nghị định này “đối với cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT quy định hoặc đạt kiểm định chất lượng chương trình theo tiêu chuẩn nước ngoài, được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành”.
Cũng theo quy định tại Nghị định này: “Đơn vị tự chủ tài chính nhóm 1 được thu mức thu học phí cao gấp 2,5 lần so với các đơn vị không tự chủ tài chính”. Nếu xác định theo lộ trình học phí theo Nghị định 81, trường có thể thu học phí mức tối đa như sau: Năm học 2021-2022: 24 triệu; 2022-2023: 36,25 triệu; 2023-2024: 41 triệu…
Tuy thực tế mức thu tại trường các năm qua như sau: Năm học 2021-2022, nhà trường có thể điều chỉnh học phí theo Nghị định 81 vào năm học này, tuy nhiên trường vẫn giữ nguyên mức thu như năm 2020-2021 (với hệ chính quy đại trà tối đa là 19,5 triệu). Lý do năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, việc giữ nguyên mức thu nhằm hỗ trợ người học.
Đối với năm học 2022-2023, ngày 13/12/2021, Hội đồng trường đã ban hành Nghị quyết số 75, theo đó, xác định mức thu học phí hệ chính quy đại trà với 3 mức là 19,5 triệu (các ngành kinh tế, xã hội); 21,5 triệu (các ngành kỹ thuật, công nghệ) và 26 triệu (các ngành kiến trúc).
Tuy nhiên ngày 20/12/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165, theo đó Chính phủ quy định mức thu học phí đại học năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 (tối đa 19,5 triệu).
Từ năm học 2023-2024 là năm đầu tiên nhà trường xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và xác định học phí căn cứ theo định mức kinh tế - kỹ thuật đã xây dựng và đảm bảo không vượt quá mức trần quy định tại Nghị định 81, theo đó mức học phí hệ chính quy đại trà được xác định tối đa 32,5 triệu. Đây là mức thu thấp hơn cả mức trần của năm học 2022-2023 theo Nghị định 81.
Trên cơ sở mức học phí đã xác định, nhà trường đã phê duyệt đề án tuyển sinh năm 2023 tại đề án số 1510/ĐA-ĐHSPKT ngày 8/5/2023, với 3 mức học phí lần lượt là 26 triệu (các ngành kinh tế, xã hội); 29 triệu (các ngành kỹ thuật, công nghệ) và 32,5 triệu (các ngành kiến trúc). Đề án này được công khai trước khi tuyển sinh, trang nghiệp vụ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang tuyển sinh của nhà trường.
Đối với các khoá từ 2022 trở về trước, nhà trường đang dự định thu mức học phí thấp hơn mức thu đã công khai của khoá 2023. Mức thu dao động từ 23,5 triệu đến 28,5 triệu 23,5 triệu (các ngành kinh tế, xã hội); 26 triệu (các ngành kỹ thuật, công nghệ) và 28.5 triệu (các ngành kiến trúc).
Phía Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khẳng định, các số liệu trên cho thấy ba năm học liên tiếp 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023 học phí không tăng. Như vậy học phí hiện nay của nhà trường đang được so sánh tăng hơn 30% là so sánh năm học 2023-2024 với năm học 2020-2021 cách đây 3 năm.
Nếu so sánh với mức học phí năm học 2022-2023 đã được Hội đồng trường phê duyệt tại Nghị quyết số 75 ngày 13/12/2021, mức tăng bình quân của khối kinh tế là chưa đến 15%. Hiện nay, khoá 2023 đã nhập học và đóng học phí và đóng học phí theo đúng đề án tuyển sinh đã công khai trước khi tuyển sinh.
Bên cạnh đó, chủ trương của nhà trường: “Mức học phí hiện nay là mức thu được xác định trên cơ sở Đề án kinh tế kỹ thuật đã được Hội đồng trường phê duyệt. Trong thời gian tới, khi Chính phủ và Bộ GD-ĐT có văn bản chính thức quy định về mức học phí cho năm học 2023-2024, nhà trường sẽ điều chỉnh theo đúng quy định”.
Cũng theo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, năm học 2023-2024, trường dự kiến trích lập quỹ hỗ trợ sinh viên từ nhiều nguồn, với số tiền hơn 50 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn (tăng khoảng 60% so với năm trước).
Các sinh viên khó khăn có xác nhận của địa phương về hoàn cảnh đều được xét trợ cấp khó khăn vào mỗi học kỳ. Các sinh viên khác có hoàn cảnh khó khăn đột xuất cũng có thể liên hệ để được trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo nhà trường, trình bày hoàn cảnh và được xem xét giải quyết, hỗ trợ theo quan điểm không để sinh viên nào phải dừng học, hay phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.