“Tôi bị trào ngược dạ dày thực quản. Suốt 3 năm, tôi không thở tốt, tôi ho, viêm họng và lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi như bị cảm cúm. Căn bệnh này đã khiến tôi xuống cân một cách trầm trọng. Bản thân tôi nhiều lúc không dám nhìn mình trong gương. Tôi không muốn mình như thế”.
Cô đã thử nhiều phương pháp điều trị nhưng bệnh vẫn tái phát. Tháng 10/2020, cô được chẩn đoán có nguy cơ cao biến chứng ung thư thực quản.
Sau đó, cô áp dụng những thay đổi về dinh dưỡng, cách sống để cơ thể tự chữa lành. Bốn tháng sau, cô thấy khỏe hơn.
Ở Việt Nam, số người mắc trào ngược dạ dày thực quản khá lớn (lên tới 7 triệu bệnh nhân). Trong đó, có 60% không điều trị kịp thời dẫn tới biến chứng về hô hấp, hẹp thực quản, ung thư thực quản.
Nguyên nhân gây bệnh
Theo Webmd, đây là rối loạn tiêu hóa xảy ra khi dịch dạ trào ngược lên thực quản.
Thông thường, thức ăn từ miệng xuống thực quản đến dạ dày, sau đó, cơ vòng thực quản đóng kín để ngăn dịch vị trào ngược lên.
Bệnh xảy ra khi quy trình trên không suôn sẻ, cơ vòng thực quản giãn ra. Khi đó, dịch vị thoát khỏi dạ dày, trào ngược trở lại làm tổn thương những cơ quan khác.
Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể giảm bớt triệu chứng thông qua thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Một số người cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Triệu chứng
Triệu chứng phổ biến nhất là chứng ợ nóng (khó tiêu do axit). Người bệnh thường có cơn đau ngực nóng rát bắt đầu sau xương ức và di chuyển lên cổ và cổ họng. Nhiều người cảm thấy thức ăn trào ngược vào miệng, để lại vị chua hoặc đắng.
Cảm giác nóng rát hoặc đau do ợ chua có thể kéo dài tới 2 giờ. Tình trạng thường tồi tệ hơn sau khi ăn. Nằm hoặc cúi xuống cũng dẫn đến ợ nóng. Nhiều người dễ chịu hơn nếu đứng thẳng hoặc uống thuốc kháng axit để loại bỏ axit ra khỏi thực quản.
Đôi khi, mọi người nhầm lẫn cơn đau do ợ chua với cơn đau tim. Điểm khác biệt là tập thể dục dễ làm cho cơn đau do bệnh tim trở nên trầm trọng và nghỉ ngơi có thể làm dịu. Đau do ợ chua ít liên quan tới các hoạt động thể chất.
Ngoài ra, bệnh nhân dễ cảm thấy buồn nôn, nôn, khó thở, hôi miệng, khó nuốt, mòn men răng, vướng trong cổ.
Nếu bị trào ngược axit vào ban đêm, người bệnh dễ bị ho kéo dài, viêm thanh quản, hen suyễn xuất hiện đột ngột hoặc trở nên mệt mỏi hơn, ngủ không ngon giấc.
Điều trị
Điều trị nhằm mục đích cắt giảm lượng dịch trào ngược hoặc giảm tổn thương niêm mạc thực quản do tình trạng trào ngược. Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc hỗ trợ chữa bệnh. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống, chế độ ăn rất quan trọng.
Bác sĩ thường đưa ra một số lời khuyên cho bệnh nhân để giảm bớt các triệu chứng:
Tránh thực phẩm và đồ uống gây kích thích: Không sử dụng các loại thực phẩm có thể làm giãn cơ vòng thực quản, bao gồm chocolate, bạc hà, thực phẩm béo, caffeine và đồ uống có cồn. Bạn cũng nên tránh thực phẩm dễ gây kích ứng niêm mạc thực quản như trái cây và nước trái cây họ cam quýt, các sản phẩm từ cà chua và hạt tiêu.
Ăn các bữa nhỏ hơn: Ăn ít hơn trong mỗi bữa có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra, ăn các bữa ít nhất 2 đến 3 giờ trước khi đi ngủ để axit trong dạ dày giảm xuống và dạ dày của bạn trống một phần.
Ăn chậm: Hãy dành thời gian để thưởng thức các bữa ăn.
Nhai kỹ thức ăn: Bạn chỉ nên ăn miếng mới khi đã nhai và nuốt xong miếng trước đó
Bỏ hút thuốc: Hút thuốc lá làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới.
Giữ cân nặng hợp lý: Thừa cân thường làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Mặc quần áo rộng: Quần áo bó gây áp lực lên bụng và phần dưới của thực quản.