Dù đã khuyến khích cổ đông tham dự bằng "chiêu" tặng tiền mặt, đại hội cổ đông bất thường của công ty BOT lớn nhất miền Nam vẫn bất thành vì không đủ tỷ lệ theo yêu cầu.
Sáng 19/9, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã: CII) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Tuy nhiên, giống như nhiều lần khác, cuộc họp lần này tiếp tục không thể tiến hành bởi không đủ tỷ lệ theo yêu cầu.
Đến khoảng 9h, Trưởng ban Kiểm soát Đoàn Minh Thư thông báo số lượng tham dự khá đông, với 218 người, tuy nhiên số cổ đông này chỉ nắm giữ số cổ phiếu chiếm khoảng 31% tổng số lượng có quyền biểu quyết (thấp hơn mức yêu cầu trên 50%).
Theo lãnh đạo CII, số lượng tham dự đợt này là cao hơn so với các đợt trước (chỉ khoảng 170 cổ đông). Kết quả này là nhờ công ty thông báo sẽ tặng tiền cho cổ đông trực tiếp tham dự hoặc ủy quyền, nhằm tăng khả năng họp thành công.
Mặc dù không thể tiến hành họp như thông thường, ban lãnh đạo công ty trong lĩnh vực hạ tầng giao thông này vẫn giành nhiều thời gian để thông tin về hoạt động và giải đáp các thắc mắc cho cổ đông.
Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình cho biết, trong giai đoạn 2024-2030, công ty có chiến lược đẩy mạnh việc nghiên cứu các dự án BOT và các dự án hạ tầng giao thông khác; ngoài ra còn bố trí ngân sách để nghiên cứu đầu tư vào các hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.
Tên dự án
Tổng mức đầu tư (tỷ đồng
Vị trí
Cao tốc TP.HCM-Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 2
22.000
TP.HCM, Long An, Tiền Giang
Nâng cao năng lực thông hành tây bắc Tp.HCM
19.059
Quận 12, Tân Bình, Hóc Môn
Nâng cấp QL 1A, từ nút Tân Kiên đến Long An
11.982
Bình Chánh
Tuyến Phạm Văn Đồng-Ung Văn Khiêm-Nguyễn Hữu Cảnh
10.108
Bình Thạnh
Nâng cấp đoạn Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức
6.625
Bình Chánh
Nâng cấp tuyến nối cao tốc TP.HCM-Trung Lương
5.048
Bình Chánh
Theo tài liệu, CII dự kiến triển khai công tác nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng. Các dự án CII đang nghiên cứu tập trung ở khu vực cửa ngõ phía Bắc và phía Tây Nam TP.HCM. Dự án lớn nhất là triển khai cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.
Đối với hoạt động mở rộng đầu tư sang lĩnh vực mới, CII dự kiến sẽ lấn san sang lĩnh vực hạ tầng y tế. Công ty cho biết đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế.
“Nếu được ĐHĐCĐ lần này phê duyệt, thì HĐQT và ban điều hành sẽ nghiên cứu sâu hơn, nhưng rất tiếc đại hội bất thành”, ông Bình nói.
CEO Lê Quốc Bình đánh giá CII đang là công ty có khả năng hoàn vốn tốt nhất thị trường trong lĩnh vực đầu tư vào các dự án theo hình thức BOT (công ty tư nhân bỏ vốn xây hạ tầng, sau đó khai thác vận hành và cuối cùng chuyển giao lại cho nhà nước).
Ông nói thị trường có nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng vẫn tham gia đấu thầu BOT rồi để đó vì không có vốn thực hiện. Hiện hầu hết nhà đầu tư muốn vay vốn để làm dự án BOT thì phần lớn ngân hàng từ chối, nhưng CII vẫn được chấp nhận.
Chẳng hạn, khi tham gia dự án BOT 19.000 tỷ đồng thì ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 9.000 tỷ và nhà đầu tư bỏ vào 10.000 tỷ (được vay vốn tối đa 50%). Do đó, quy định đầu tư hiện bị siết yêu cầu là có thư bảo lãnh từ ngân hàng, tránh trường hợp trúng thầu xong không có tiền làm.
Ngoài ra, các nhà đầu tư khác chủ yếu là nhà thầu chỉ quan tâm đến khối lượng thi công hơn là hoàn vốn như CII. Công ty cũng ưu tiên các dự án hạ tầng về miền Tây hơn là hướng về miền Đông để tăng khả năng hoàn vốn.
"Nếu như thành phố tổ chức đấu thầu với các tiêu chí khắt khe hơn thì CII càng dễ trúng thầu", ông Bình kỳ vọng các điều kiện càng khắt khe thì càng hạn chế tình trạng các đơn vị khác đấu thầu xong để đó.
Sẵn sàng bán cổ phiếu khi được giá
Liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty Tasco (Mã: HUT), lãnh đạo CII cho biết đang hợp tác với đơn vị này bởi Tasco có công ty con VETC đứng đầu trong lĩnh vực thu phí tự động không dừng. Thậm chí, CII còn muốn lập liên doanh với nhóm này (gồm Tổng công ty Thăng Long và VETC) để tham gia vào các dự án sắp tới.
Dù vậy, CEO Lê Quốc Bình cho biết nếu giá cổ phiếu HUT tăng vượt kỳ vọng thì ban lãnh đạo vẫn sẵn sàng bán ra để chốt lời.
Thậm chí là với khoản đầu tư vào Năm Bảy Bảy (Mã: NBB), ông Bình cho biết từng bán một lượng lớn ở mức giá cao và bây giờ thị giá đã giảm giá, do đó công ty vẫn sẵn sàng mua lại để kiếm lời chênh lệch giá.