Tháng 10 vừa qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin tại huyện Mèo Vang, tỉnh miền núi phía Bắc Hà Giang, có 18 trường tiểu học nhưng chỉ có duy nhất 1 giáo viên dạy Tiếng Anh. Trong khi đó, từ năm học này, Tiếng Anh lớp 3 là môn học bắt buộc triển khai trên cả nước theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (Chương trình mới).
Chính quyền địa phương đã đưa ra lộ trình tuyển giáo viên Tiếng Anh nhưng không có nguồn. Giáo viên hợp đồng cũng khan hiếm, bởi sinh viên sư phạm ra trường có nhiều lựa chọn tốt hơn là đến vùng cao. Tình trạng thiếu giáo viên và trang thiết bị dạy học là bài toán nan giải, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài cho hay, kết quả khảo sát đầu năm học cho thấy, hiện có 6 tỉnh chưa dạy đủ Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 vì thiếu giáo viên gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Bình và Quảng Trị.
"Không có bất cứ lý do gì để những học sinh vùng xa không được tiếp cận môn học này. Do đó, khi tham mưu cho các tỉnh, Bộ GD-ĐT luôn kiên định mục tiêu dù khó khăn đến đâu cũng không được phép dừng hoặc lùi chương trình các môn học bắt buộc, trong đó có Tiếng Anh và Tin học", ông Tài khẳng định.
Để giải bài toán thiếu hụt giáo viên, Bộ GD-ĐT và các địa phương đang tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên hiện có nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định và giáo viên tại chỗ.
Bên cạnh đó, các trường sư phạm hiện nay cũng phối hợp với các địa phương như Hà Giang để đào tạo giáo viên theo địa chỉ.
Theo Vụ trưởng Thái Văn Tài, trong quá trình chuẩn bị đội ngũ giáo viên này, Bộ đang ưu tiên thực hiện các giải pháp trước mắt: linh hoạt trong bố trí, điều động, luân chuyển, biệt phái để đáp ứng được giáo viên dạy các môn mới ở mức tối thiểu.
Đồng thời, để đồng hành cùng địa phương triển khai dạy một cách linh hoạt, Bộ GD-ĐT phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng kho học liệu số với hàng trăm video bài giảng được biên soạn theo Chương trình mới.
Nhờ đó, các trường có thể chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dạy qua tivi thông minh. Các thầy cô cũng có thể tổ chức dạy học nối điểm cầu từ trường này sang trường khác hoặc từ điểm trường chính đến điểm trường phụ.
Để cùng huyện Mèo Vạc vượt qua khó khăn ban đầu và triển khai các hình thức dạy học Tiếng Anh linh hoạt, hôm qua, Vụ Giáo dục tiểu học đã trao tặng 12 tivi thông minh cho 4 trong số 18 trường: PTDT bán trú Tiểu học Thượng Phùng, PTDT bán trú Tiểu học Xín Cái, PTDT bán trú Tiểu học Sủng Trà, PTDT bán trú Tiểu học Niêm Sơn.