Kết quả khả quan
Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 7 tháng, ước thực hiện 8 tháng kế hoạch năm 2023.
Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng đạt 39,6% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 42,35% thì tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 đạt 39,15%); trong đó vốn trong nước đạt 43,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 40,87%), vốn nước ngoài đạt 25,95% (cùng kỳ năm 2022 đạt 14,02%).
Có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Ngân hàng nhà nước (62,75%), Ngân hàng phát triển (100%), Tiền Giang (62,12%), Long An (66,18%), Đồng Tháp (66,94%).
Có 41/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn; trong đó có 33 bộ, cơ quan trung ương và 08 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn.
Một thống kê khác của Bộ Giao thông vận tải cũng cho thấy giải ngân đầu tư công là rất tích cực.
Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), tính hết tháng 8/2023, trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 95.200 tỷ đồng), Bộ GTVT giải ngân khoảng 49.723 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao gấp hơn 2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỉ lệ (hết tháng 8/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 22.263 tỷ đồng, đạt khoảng 40% kế hoạch).
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, phấn đấu đạt 95%
Theo Bộ Tài chính, một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án như sau: Một số dự án đang hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư để phân bổ vốn, vì vậy chưa thể giải ngân kế hoạch năm 2023; một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không phân bổ vốn năm 2023.
Một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân cho dự án.
Vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu, các chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; gia hạn hiệp định dự án ODA (Dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu, Dự án Bệnh viện Ung bướu tỉnh Cần Thơ), các dự án sử dụng vốn ODA thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đấu thầu, nghiệm thu, đều phải có thư không phản đối của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian.
Một số dự án (di tích, y tế) chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành, chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị thẩm định giá, hồ sơ mời thầu.
Các dự án CNTT có yêu cầu kỹ thuật phức tạp trong khi các văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa đầy đủ.
Để đạt được mục tiêu (phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN kế hoạch năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công, chủ động thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân đảm bảo đúng quy định và theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Công điện 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa,...; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.