Số liệu trên được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo ngày 29/6. Mức tăng GDP quý II lên tới 7,72% đã kéo tốc độ tăng GDP 6 tháng lên mức hơn 6%.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,97%; quý II tăng 9,87%).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%; 50,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43,0%; gần 24,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; 8,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13,6%. Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và có 13,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả điều tra trong quý II/2022 cho thấy: Có 78,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý I/2022; có 21,6% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý III/2022, có 85,0% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ ổn định và tốt lên so với quý II/2022; có 15,0% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Tính đến thời điểm 20/6/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%).
Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 932,9 nghìn tỷ đồng, bằng 66,1% dự toán năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán năm.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD).
Trong 6 tháng đầu năm 202=2, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP. HCM ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở vào quý III, IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% thì 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%. Đáng chú ý, tăng trưởng quý I/2022 đạt 1,88%, sang tới quý II/2022 ước tăng 5,73% (gấp 3 lần so với quý I/2022), mức độ phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V.
Trong đó, khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 4,83% so với cùng kỳ. Có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ như: ngành vận tải, kho bãi tăng 7,51%; ngành tài chính, ngân hàng tăng 9,91%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng 6,46%...
3/9 ngành có mức tăng trưởng dưới 6% là: bán buôn, bán lẻ tăng 3,10%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,08%; giáo dục và đào tạo tăng 4,99%. Duy nhất có hoạt động kinh doanh BĐS có mức giảm 5,82%.
Tổng doanh thu du lịch ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 11,08 triệu lượt, tăng 43,1% so với cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 477.982 lượt.
Về đầu tư nước ngoài, vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước, TP.HCM thu hút được 2,18 tỷ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM 6 tháng đầu năm qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm qua các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ.
Lương Bằng - Trần Chung