Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ; tình hình triển khai kế hoạch của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ năm 2024, các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ các Bộ, địa phương; Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.

Về dự kiến kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng năm 2025, trong đó về công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 154/NQ-CP, các chương trình/kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và áp dụng nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng để đạt hiệu quả cao nhất.

Về tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, các bộ, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã giao trong năm 2024 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong năm 2025, trong đó tập trung rà soát đẩy nhanh tiến độ các Đề án đã quá thời hạn giao tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính Phủ.

Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt một số dự án trọng điểm đã có chủ trương đầu tư và đã giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai trong năm 2025; nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Các Bộ cần nghiên cứu đề xuất các chuyên đề liên kết vùng thông qua các một số lĩnh vực lớn trong phát triển vùng Đông Nam Bộ như kết nối hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, logistic, cảng biển,… đã được định hướng tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.

W-hoinghi.png
Quang cảnh hội nghị

 Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2025, chúng ta vừa phải tăng tốc, bứt phá, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội cả nhiệm kỳ 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 8%; vừa thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Nhấn mạnh, Hội nghị lần này tập trung rà soát, đánh giá việc triển khai các công việc đã thống nhất sau Hội nghị lần thứ 4, rút ra các bài học kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo để làm tốt hơn sau mỗi hội nghị, vướng mắc phải giải quyết, khó khăn phải vượt qua, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá, làm rõ tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng Đông Nam Bộ, những việc đã làm được, những việc chưa làm được, nhận diện các khó khăn, thách thức, những vấn đề đặt ra trong công tác điều phối, liên kết nội vùng, liên vùng, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh những kết quả đạt được vùng Đông Nam Bộ còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ phát triển GRDP vùng Đông Nam Bộ đang có xu hướng chậm lại. Đến hết ngày 30/11/2024, giải ngân của cả vùng thấp hơn so bình quân chung cả nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức trong phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối cảng, hệ sinh thái dịch vụ logistic. Hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là hệ thống cảng còn những điểm nghẽn. Tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng còn chậm, nhiều đề án, nhiệm vụ còn chưa triển khai.

Đề cập đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động triển khai các hoạt động điều phối vùng, các dự án vùng và liên vùng. Xác định công tác điều phối thực hiện các dự án vùng, liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ.

Tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng một cách thiết thực, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, nâng cao vai trò điều phối, liên kết của Hội đồng điều phối vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, khắc phục các điểm nghẽn phát triển. Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động tham mưu của các Tổ điều phối cấp Bộ, Tổ điều phối cấp tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu toàn vùng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số mỗi năm, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã giao trong năm 2024 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong năm 2025; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông cho phát triển; làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành mới nổi; thay đổi, cơ cấu lại công tác quản trị theo hướng thông minh, sử dụng công nghệ số; tăng cường quản lý an ninh, trật tự, chống tiêu cực, lãng phí; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho phát triển.

Tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng một cách thiết thực, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, nâng cao vai trò điều phối, liên kết của Hội đồng điều phối vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, khắc phục các điểm nghẽn phát triển.

Các Bộ, địa phương tập trung giải ngân số vốn đã được giao, phải tháo gỡ ngay các khó khăn trong giải phóng mặt bằng, về nguồn nguyên vật liệu sớm đưa nguồn vốn hấp thụ vào nền kinh tế.

Các Bộ, địa phương nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch Vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030, trong đó dành nguồn vốn phù hợp để làm công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 để triển khai thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở nguyên tắc tiêu chí phân bổ vốn được Quốc hội thông qua, sớm hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch trung hạn 2026-2030. Các địa phương có nguồn thu lớn cần tập trung nguồn lực cùng với nguồn ngân sách trung ương tập trung cho các dự án để tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng vùng giai đoạn tới.

Các địa phương cần cơ cấu lại ngành công nghiệp của mình để tạo đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của địa phương gắn với phát triển thương hiệu đi đôi với chất lượng đạt chuẩn quốc tế.