Tăng trưởng phục hồi nhưng đầy thách thức
Tăng trưởng kinh tế năm 2022 cho thấy nền kinh tế phục hồi ấn tượng, nhanh và kỳ diệu, đặc biệt là trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, những yếu tố tạo nên sự hồi phục là nhất thời và đang giảm dần từ quý IV/2022 và có thể trong năm 2023. Vì thế, chúng ta không nên quá lạc quan với thành tựu vì khi đánh giá quá lạc quan, sẽ nhìn nhận thực tế không đúng và sẽ có chính sách không phù hợp.
Những khó khăn bên ngoài ngày càng rõ ràng. Kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát gia tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới, lãi suất tăng, đồng đô la lên giá, cầu tiêu dùng suy giảm.
Các yếu tố này làm cho cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thu hẹp. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng lên, doanh thu giảm khiến các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động. Các động lực tăng trưởng đều suy giảm: xuất khẩu suy giảm, nhu cầu suy giảm, đầu tư tư nhân suy giảm, giải ngân đầu tư công kém... Chính phủ ưu tiên chống lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi vay tăng cao, tiền đồng mất giá khoảng 10% so với đô la Mỹ.
Chống lạm phát trở thành mục tiêu ưu tiên số 1; ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì bằng mọi giá; chính sách tiền tệ và tài khoá tiếp tục thắt chặt.
Thị trường tài chính nhiễu động mạnh, niềm tin của nhà đầu tư bị thách thức, thanh khoản thị trường ở mức thấp. Thị trường chứng khoán suy giảm mạnh và nhanh. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị dứt gãy. Việc huy động vốn qua tất cả các kênh thị trường trở nên khó khăn hơn.
Thị trường bất động sản chuyển nhanh từ nóng sang lạnh và thậm chí đóng băng cục bộ; thanh khoản suy giảm; vốn đọng lại trong bất đông sản lớn; hàng loạt công ty, nhà đầu tư bất động sản mất thanh khoản, mất khả năng thanh toán; và giải thể, phá sản.
Hệ thống tổ chức tín dụng vừa hồi phục sau khủng hoảng 2009-2012, thì nay đang bị lung lắc mạnh; thành quả của 10 năm hồi phục, xử lý nợ xấu có nguy cơ bị hao mòn nghiêm trọng.
Đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí khó khăn hơn 10 năm trước(2010-2012).
Trong khi đó, các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cũng suy giảm. Có biểu hiện cho thấy, xu hướng thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính tăng lên hơn là kiến tạo. Hơn 10 năm trước Chính phủ đã nhấn mạnh, 1 năm doanh nghiệp chỉ bị thanh tra, kiểm tra tối đa 1 lần. Giờ đây cứ có vấn đề gì xảy ra, câu đầu tiên là: tôi sẽ lập đoàn thanh tra, tôi sẽ lập đoàn kiểm tra, như câu chuyện xăng dầu vừa qua.
Các báo cáo nghiên cứu độc lập, có chiều sâu, kiến nghị có hệ thống, được thảo luận ở cơ quan cấp cao cũng đang ngày càng thiếu vắng. Những khái niệm “Chính phủ kiến tạo”, “Nhà nước kiến tạo”, đang giảm dần trong các cuộc thảo luận về chính sách. Việc quản lý, xử lý một số trường hợp ở thị trường xăng dầu, trái phiếu doanh nghiệp tỏ ra thiếu nhạy bén, thậm chí can thiệp thô bạo vào thị trường dù có chỉ đạo “không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự”.
Một hiện tượng chưa từng thấy suốt 30 năm qua là công chức không dám làm, không dám quyết định, do lo sợ trách nhiệm. Điều này phản ánh tâm trạng thiếu vắng cải cách đột phá về môi trường kinh doanh để tạo ra luồng sinh khí mới cho phát triển.
Hành động của Nhà nước
Trước hoàn cảnh này, theo ông Nguyễn Đình Cung, cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững và giải quyết vấn đề xã hội. Sau 10 năm thì đến nay cần bỏ trần tín dụng chuyển sang điều hành linh hoạt hơn để theo các quy chuẩn an toàn vốn; cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ đối với doanh nghiệp; mở rộng và cung ứng tín dụng có mục tiêu, duy trì chế độ quản lý tỷ giá như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần xem xét miễn, giảm thuế, phí với quy mô lớn cho đến hết năm 2025; giảm và ổn định tiền thuê đất. Phân bố lại nguồn lực các chương trình quốc gia và chương trình an sinh trong gói phục hồi để hỗ trợ nhiều hơn, kịp thời hơn cho người lao động mất việc làm.
Cần tập hợp, đánh giá và phân loại các nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công đã tồn tại nhiều năm, trên cơ sở đó, nên có nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2022-2025.
Cải cách thể chế đủ mạnh, nhất quán hướng theo thị trường. Không hình sự hoá quan hệ kinh tế - dân sự. Quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính, thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường. Hoá giải các nỗi sợ của công chức Nhà nước, nhất là ở địa phương, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm.
Mở cửa, khôi phục lại và bình thường hoá hoạt động du lịch quốc tế. Tiếp tục tạo thuận lợi thương mại nhất là trên lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Hỗ trợ cho sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn. Khơi thông, đón đầu dòng vốn đầu tư FDI thế hệ mới. Đa dạng hoá và nâng tầm quan hệ với các cường quốc đang lên.
Thực hiện chuyển đổi số, chuyển nhanh sang áp dụng mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử; giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh
Thực hiện chuyển đổi số, chuyển nhanh sang áp dụng mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử; giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực. Gia tăng xuất khẩu nông sản thực phẩm, và phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm; phát triển kinh tế tuần hoàn trong linh vực nông nghiệp. Đổi mới hệ thống quản trị, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt, phù hợp nhằm nâng cấp và nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả và hiệu lực quản lý.
Thực hiện đào tạo cho cổ đông, người quản lý và người lao động bằng các hình thức, cách thức và kiến thức, kỷ năng phù hợp, nhất là quản lý, nghiên cứu và phát triển thị trường, chuyển đổi số,.v.v….
Với các doanh nghiệp Nhà nước, cần mở rộng một bước quyền tự chủ đầu tư kinh doanh của họ. Xin lấy ví dụ: Cần mở rộng có chọn lọc mô hình kinh doanh đa ngành, nhất là những ngành nghề trong hệ sinh thái của ngành kinh doanh chính, hoặc/và các ngành nghề mà dnnn có thể sử dung tài sản, nguồn lực hiện có một cách hiệu quả hơn. Tự chủ cơ cấu lại danh mục tài sản, danh mục đầu tư, chuyển đổi sang mua sắm loại tài sản tạo giá trị gia tang cao hơn.
Hiện tại doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý và sử dung nguồn lực rất lớn nhất là đất đai, những không thể mở rộng kinh doanh sang các ngành nghề tận dung hết các nguồn lực đó; vì vậy, nguồn lực lớn đã để đóng băng không tạo ra giá trị cho xã hội. Nếu mở rộng thêm quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước như kiến nghị trên, thì danh mục tài sản, danh mục đầu tư được cơ cấu lại, được sử dung có hiệu quả hơn, từ đó nâng cao được hiệu quả hoạt động DNNN, góp phần thêm vào tang trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Trần Thủy (lược ghi)