Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam” ngày 30/11, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết phát triển bền vững trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới.
Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Năm 2023, thông qua Báo cáo Quốc gia tự nguyện lần thứ 2, Việt Nam một lần nữa cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Được nhận định như chìa khóa đạt được phát triển bền vững, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Đây không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường.
“Đây là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính từ sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Theo PGS.TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với các mô hình tăng trưởng xanh.
Ông cho biết, qua hơn 10 năm triển khai chiến lược tăng trưởng xanh kể từ năm 2012, có thể thấy rằng, nhận thức của người dân, của cộng đồng và toàn xã hội về ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được cải thiện rõ rệt thông qua các bước thay đổi hành vi sản xuất và kinh doanh bền vững. Xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh doanh tuần hoàn, an toàn, văn minh và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, như rất nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh. Trong đó, tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Cũng tại diễn đàn, PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore, cho biết, hệ số an ninh năng lượng của Việt Nam suy giảm từ 93% năm 2015 giảm xuống còn 56% năm 2020 và ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Lượng phát thải CO2 cũng tiếp tục tăng.
“Không nỗ lực chuyển đổi xanh, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm”, ông Khương nói.