Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, NXB Trẻ phối hợp với Viện Pháp tại TP.HCM tổ chức buổi trò chuyện Văn chương Pháp - Việt.
Cuộc trò chuyện xoay quanh các chủ đề: Quá trình sáng tác và xuất bản tác phẩm tại Pháp và Việt Nam của tác giả gốc Việt; văn học Pháp ngữ tại Việt Nam; những sáng tác tiếng Pháp của người Việt tại nhiều quốc gia; căn tính Việt và sự ảnh hưởng đến các sáng tác của tác giả Việt sống tại nước ngoài.
Khách mời của buổi giao lưu là nhà văn Nuage Rose (Hồng Vân), PGS.TS Phạm Văn Quang (Trưởng bộ môn Văn học - Văn hóa, Khoa Pháp, ĐH KHXH&NV) cùng nhiều độc giả, học sinh, sinh viên…
Dấu ấn của tác giả Việt trên văn đàn Pháp
Nuage Rose Hồng Vân bắt đầu sự nghiệp viết lách bằng tác phẩm Trois Nuages au pays des nénuphars lấy bối cảnh Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và thời bao cấp. Sách xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 2013 trước khi được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam năm 2017 với tựa Ba áng mây trôi dạt xứ bèo. Tác phẩm kế tiếp của chị - 120 ngày mây thì thầm với gió lấy bối cảnh chính là nước Pháp trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, được viết bằng tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam năm 2021.
Hai tác phẩm của nữ văn sĩ đều do NXB Trẻ phát hành. Ba áng mây trôi dạt xứ bèo được Ban độc giả và NXB Hội Nhà văn Pháp trao giải thưởng Tác phẩm được yêu thích nhất năm 2013.
Dù đã có chỗ đứng nhất định trên văn đàn, chị Hồng Vân vẫn khiêm tốn không nhận mình là nhà văn. “Tôi không phải là nhà văn, không có khả năng viết những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, đầy kỹ thuật mà chỉ viết những câu chuyện bày tỏ tình yêu về gia đình, đất nước”, chị bày tỏ.
Theo nữ tác giả, điều khiến chị tự hào là sự đón nhận của các độc giả châu Âu. Một số người Mỹ đã khóc, cầm tay chị và chia sẻ khi đọc sách của người Việt, họ mới hiểu vì sao vào những năm 1960, có những người Mỹ đã xuống đường biểu tình để phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
PGS.TS Phạm Văn Quang nhận định việc các tác giả chọn viết tác phẩm của mình bằng ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ cũng là một phương diện của văn học. Trong đó, suy nghĩ, cảm xúc và văn phong của họ phần nào thể hiện tính dân tộc rõ rệt.
Sự có mặt của Hồng Vân và một số tác giả Việt khác cho thấy dấu ấn của họ trong dòng văn học Pháp ngữ. Qua văn chương, họ tạo sự kết nối, giao thoa, mở ra cánh cửa để thế giới hiểu hơn về Việt Nam, cũng như độc giả trong nước được tiếp cận quốc tế.
Văn học Pháp tại Việt Nam còn nhiều hạn chế
PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết có khoảng 400 tựa sách được xuất bản bằng tiếng Pháp của 180 tác giả người Việt (tính đến năm 2010).
Tuy nhiên, việc tiếp nhận loại văn học này vẫn còn hạn chế trên thị trường Việt Nam. Ông chỉ ra 2 nguyên nhân: một là hệ thống xuất bản không xuất bản tiếng Pháp ở Việt Nam; hai là rào cản ngôn ngữ vì ít có độc giả đọc được tiếng Pháp.
Một số tác phẩm văn học Pháp được NXB Trẻ dịch sang tiếng Việt và phát hành.
Ông cho rằng đây là mảng văn học cần được khai thác sâu đậm vì qua việc dịch thuật sẽ tạo cầu nối giao lưu văn hóa Pháp - Việt. Trong dòng chảy văn chương, văn học Pháp cũng có ảnh hưởng rất lớn.
PGS.TS nêu quan điểm để giúp những tác phẩm văn học tiếng Pháp của người Việt được đón nhận sâu rộng đến với độc giả ở Việt Nam nhất định phải cần dịch giả. Do đó, vai trò của nhà xuất bản rất quan trọng.
“Chúng ta không thể có tri thức nếu không có biên dịch. Các nền tư tưởng, loại hình sáng tác đều truyền qua việc biên dịch. Nếu không sẽ mất đi một mảng tri thức lớn”, ông nhận định.
Bên cạnh 2 khách mời, nhiều ý kiến trong buổi gặp gỡ cũng thể hiện sự trăn trở xoay quanh việc phát triển dòng văn học này cũng như phổ biến với đông đảo độc giả.
Một người đưa ra nhận định văn hóa đọc xuống cấp bởi số đông thích văn hóa nghe - nhìn. Tại Việt Nam, các nhà văn không thể sống được bằng văn chương, ngoại trừ những trường hợp hi hữu như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Nhiều độc giả bày tỏ trăn trở về việc phát triển văn học Pháp tại Việt Nam.
Ở phương Tây, văn hóa đọc được đào tạo, rèn luyện từ nhỏ. Một đứa bé đến một người đã nghỉ hưu vẫn thích đọc. Do đó, rèn luyện thói quen đọc cần được hình thành từ chính môi trường gia đình.
Nhà văn Hồng Vân cho biết tại Pháp, con số nhà văn sống được với nghề không quá 10 người. Tuy nhiên, Chính phủ nước này rất chú trọng văn hóa đọc. Họ thường bố trí nhiều trạm đọc ở nơi công cộng. Độc giả có thể vừa di chuyển, vừa đọc sách. Khi đọc xong thì sẽ trả sách về tại một trạm bất kỳ. Điều này tạo sự linh hoạt, chủ động mang tới hứng thú cho độc giả khi tiếp cận với sách.