Diễn ra từ ngày 16/3/2023 đến 31/3/2023, cuộc thi “Ứng dụng ChatGPT trong học tập” dành cho tất cả học viên, sinh viên đã và đang học tập tại Đại học trực tuyến FUNiX cũng như các học sinh, sinh viên trong và ngoài nước.
Đây không chỉ là một sân chơi cho học sinh, sinh viên chia sẻ những ứng dụng thực tế của ChatGPT mà còn là 1 cuộc nghiên cứu các cách sử dụng công cụ này, đánh giá sự hữu ích của nó trong học tập.
Với đề bài “ChatGPT hữu dụng hay không hữu dụng trong học tập?”, người dự thi có thể trình bày bài thi dưới bất kỳ hình thức thể hiện nào, có thể là ảnh chụp, video, bài viết, slide, vẽ, hát, thơ… để chỉ ra sự hữu dụng hay không của ChatGPT trong quá trình học tập. Các thí sinh phải minh chứng rằng bản thân đã sử dụng ChatGPT để bảo vệ cho ý kiến.
Bài dự thi “Ứng dụng ChatGPT trong học tập” được thể hiện bằng 1 trong 3 ngôn ngữ Việt, Anh hay Nhật. Mỗi thí sinh có thể nộp nhiều bài thi nhưng các bài phải khác nhau.
Cuộc thi sẽ có 2 hạng mục giải thưởng chính: ChatGPT hữu dụng và ChatGPT không hữu dụng. Ngoài các giải Nhất, Nhì và Ba, Ban tổ chức còn trao thưởng cho thí sinh nộp nhiều sản phẩm nhất, bài dự thi có hình thức trình bày ấn tượng nhất, bài dự thi sử dụng ChatGPT trong học tập ở lĩnh vực CNTT, nghệ thuật, kinh tế, giáo dục... ấn tượng nhất. Các bài dự thi được đánh giá dựa trên cách thể hiện thú vị và hình thức trình bày độc đáo của thí sinh.
Hồi tháng 1/2023, thời điểm ChatGPT nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dùng Việt Nam, Đại học trực tuyến FUNiX đã trang bị phiên bản cao cấp của ChatGPT cho toàn bộ học viên trải nghiệm và học tập.
Trao đổi với VietNamNet, nhận định ChatGPT là công cụ hỏi đáp rất tốt, Giám đốc điều hành FUNiX Lê Minh Đức chia sẻ, thời đại ngày nay việc đặt câu hỏi vốn quan trọng hơn câu trả lời rất nhiều. Điều này chúng ta thấy rõ từ khi có Google. ChatGPT mang lại sự thuận tiện giúp cho các bạn trẻ cảm thấy được khuyến khích học, cảm thấy được thoải mái, vui vẻ.
Ngoài ra, khi tổ chức cho học viên, sinh viên học cùng Mentor, FUNiX đã tạo cho các học viên sự riêng tư rất lớn, thay vì hỏi đáp công khai trên lớp. Nhưng thêm công cụ ChatGPT, độ riêng tư còn cao hơn, đồng thời giải quyết được những câu hỏi cơ bản.
“Quan điểm của chúng tôi là ai cũng có khả năng tự học. Nguồn học liệu hiện có trên nhiều nền tảng Internet, việc của cơ sở đào tạo là định hướng cho người học đâu là nguồn học liệu phù hợp với lĩnh vực của mình và giao các bài tập để họ biết kiểm tra kiến thức, áp dụng kiến thức vào công việc cụ thể. Mọi học viên đều muốn được học tập tốt, nếu nhận được sự hỗ trợ tức thời, phù hợp năng lực và thời gian thì học viên sẽ ngày càng phát huy mong muốn tự học”, bà Lê Minh Đức cho hay.
Đại diện FUNiX cũng tin tưởng rằng với sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ, không chỉ ChatGPT mà tới đây còn nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) khác sẽ hiện diện. Vì thế, nhiều ngành nghề, trong đó có giáo dục sẽ có thay đổi rất lớn theo hướng tận dụng nó, phát triển mà không bị ảnh hưởng.
“Học cách ra lệnh cho AI là điều mà chúng ta phải học hỏi để có thể sử dụng công cụ công nghệ mới một cách hiệu quả, góp phần gia tăng năng suất lao động. Kỹ năng này cần thiết cho gần như tất cả các lĩnh vực”, đại diện FUNiX nêu quan điểm.
Trước đó, trong kết luận tọa đàm “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo: Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” diễn ra hồi trung tuần tháng 2/2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, cách tốt nhất để hiểu về ChatGPT là dùng nó. Công nghệ, công cụ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1 triệu rưỡi nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, chúng ta hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng mong rằng các nhà trường, các tổ chức sau khi trải nghiệm sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại, tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có chính sách lâu dài và kịp thời.