Theo TRT World, tập đoàn quân sự tư nhân (PMC) là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tình báo, huấn luyện an ninh, hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển trong khu vực xung đột. Hoạt động của PMC được công nhận bởi luật pháp quốc tế, trong khi các lính đánh thuê đơn lẻ bị nghiêm cấm.
Ngành công nghiệp PMC và lính đánh thuê toàn cầu được định giá hơn 100 tỷ USD. Thị trường chính của các tập đoàn kiểu này là châu Phi, Trung Đông và Afghanistan.
Sự khác biệt giữa PMC và lính đánh thuê thông thường
Theo Giáo sư Sean McFate của Đại học Georgetown (Mỹ), lính đánh thuê được hiểu đơn giản là một người dân thường, không phải sĩ quan quân đội hay cảnh sát. Những người này được trang bị vũ khí và được trả tiền để thực hiện các hoạt động quân sự trong một khu vực xung đột ở nước ngoài. Lính đánh thuê không có sự ràng buộc với bất kỳ tập đoàn hay chính phủ nào, họ chỉ hoạt động vì lợi ích cá nhân.
Trong khi đó, các PMC hoạt động như một công ty có đăng ký kinh doanh, được chính quyền nơi đặt trụ sở công nhận. Phần lớn thành viên PMC là cựu binh hoặc cựu cảnh sát, nên họ đã được huấn luyện và có kinh nghiệm thực tiễn.
So với lính đánh thuê thông thường, lực lượng của PMC có quyền tiếp cận với các khí tài hạng nặng như xe tăng, trực thăng và máy bay chiến đấu. Lính đánh thuê cũng chỉ hoạt động chủ yếu ở tiền tuyến, trong khi lính PMC có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ như bảo an, hậu cần, vận chuyển, thu thập thông tin tình báo và chiến đấu.
Trong khi tham gia tác chiến, các thành viên của PMC cũng mặc trang phục có tính thống nhất và chuyên nghiệp hơn so với lính đánh thuê thông thường. Tuy vậy, thu nhập của một lính đánh thuê đơn lẻ thường cao hơn so với lực lượng PMC.
Công ước quốc tế về lính đánh thuê
Theo Công ước quốc tế năm 1989, việc chiêu mộ, đào tạo và tài trợ lính đánh thuê bị nghiêm cấm. Những người không phải là thành viên của bất kỳ lực lượng vũ trang nào trong một cuộc xung đột, nhưng vẫn tham gia vào quá trình này sẽ bị coi là lính đánh thuê. Công ước nêu rõ, lính đánh thuê bị coi là tội phạm đối với tất cả quốc gia, nên có thể bị truy tố hoặc dẫn độ.
Tuy vậy, công ước này chỉ được 35 quốc gia phê chuẩn, và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2001. Đáng chú ý, các quốc gia có lực lượng quân sự lớn như Mỹ, Nga và Anh đều không phê chuẩn công ước.
Các vấn đề pháp lý của PMC
Theo TRT World, các quốc gia thường sử dụng PMC vì một số lý do như: thiếu nguồn nhân lực vũ trang, hoặc để không bị coi là can thiệp vào vấn đề nội bộ của một nước khác. Dù PMC bị ràng buộc bởi luật pháp của quốc gia nơi họ đặt trụ sở chính, nhưng họ lại không bị hạn chế quá nhiều khi thực hiện các nhiệm vụ ở nước ngoài.
Ví dụ, các PMC của Mỹ ở Iraq sẽ không bị quản lý bởi luật pháp địa phương. Trong một số trường hợp họ, còn không nhất thiết phải tuân theo pháp luật Mỹ, do phạm vi quyền hạn không được áp dụng.
Điều này dẫn tới tình trạng thành viên của PMC hành động thiếu trách nhiệm hơn những người lính chính quy. Khi các binh lính chuyên nghiệp vi phạm quy định, họ sẽ bị xét xử bởi tòa án binh. Nhưng với lính PMC, rất khó để buộc những người này chịu trách nhiệm hay giải trình về hoạt động của họ.