Đây là một trong những nội dung chính của Lớp tập huấn trực tuyến Chuyển giao khoa học, công nghệ hỗ trợ cán bộ, Đoàn viên, thanh niên năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 22 – 23/9, dành cho các Đoàn viên, thanh niên ở 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Chương trình do Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ - Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức với Tổ Công tác 1034 - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Trình bày chuyên đề “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp thông qua kênh TMĐT”, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Tổ phó Tổ Công tác 1034, Bộ TT&TT lưu ý: “Chúng ta đang sống trong thời đại số, công nghệ 4.0. Thông qua không gian số, mỗi cá nhân, tổ chức có khả năng tương tác và gắn kết với hàng triệu khách hàng, từ đó tạo ra một giá trị mới, đó là giá trị khách hàng. Đối với nông nghiệp, các bạn thanh niên trẻ cần tư duy lại về một giá trị mới thông qua không gian số, bên cạnh việc làm ra sản phẩm thì điều quan trọng là cách thức đưa sản phẩm đến đúng người cần, đúng khẩu vị, cảnh vị, mỹ vị của khách hàng. Sáng tạo đổi mới chính là cơ hội và sứ mệnh của thế hệ trẻ”.
Cũng theo ông Kiên, bán hàng qua các kênh số, TMĐT là điểm mới trong chuyển đổi số nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Dịch Covid-19 đã trở thành “cú hích” khiến các hộ sản xuất nông nghiệp chủ động tham gia các sàn TMĐT như Tiki, Lazada, Shoppee…, đặc biệt là 2 sàn TMĐT Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Vỏ Sò của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel.
Một điển hình thành công là chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang qua sàn TMĐT năm 2021, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch bệnh Covid-19. Chỉ sau khoảng 2 tuần ra quân, gần 1.000 nhà cung cấp đã được đưa lên hai sàn TMĐT Postmart và Vỏ Sò, tiêu thụ 8.200 tấn vải, đưa vải thiều đến 63 tỉnh thành, xuất khẩu 336 tấn vải, tổng giá trị giao dịch trên sàn TMĐT là 248,3 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, bước đầu quảng bá sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm qua sàn TMĐT, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp đã gặp phải những khó khăn nhất định. Chương trình hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT nhằm thúc đẩy kinh tế số do Bộ TT&TT chủ trì triển khai đã được sự ủng hộ của các địa phương, tạo sự lan tỏa lớn. Đối tượng tham gia, thụ hưởng chính là các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã... Mọi người đã dần hình dung ra kênh phân phối mới là kênh thương mại số”, ông Kiên nhấn mạnh.
Tổ phó Tổ Công tác 1034 khuyến nghị các Đoàn viên, thanh niên với sức trẻ, sức sáng tạo lớn, cần nâng tầm giá trị nông sản bằng tư duy đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số tại địa phương.
“Các học viên sẽ là những người chủ trì thúc đẩy kinh tế số ở nông thôn. Mong rằng Lớp tập huấn sẽ giúp khai mở giá trị mới về cách thức làm nông nghiệp số, cách thức kinh doanh mới thông qua TMĐT”, ông Kiên nói.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các Đoàn viên, thanh niên đã được chuyên gia từ Tổ Công tác 1034 hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đưa lên sàn TMĐT; cách tạo tài khoản người bán/người mua, cách đăng tải sản phẩm, quản lý kho hàng và đơn hàng… trên sàn TMĐT.
Cuối buổi tập huấn, học viên đã làm bài kiểm tra. Với số điểm cao nhất và gửi bài sớm nhất, 15 học viên được trao giấy chứng nhận hoàn thành xuất sắc khóa học.
Trong đó, 5 học viên của tỉnh Cao Bằng gồm: Sào Mùi Chàn, Huyện Đoàn Hòa An; Đặng Thu Hương, Huyện Đoàn Nguyên Bình; Nông Quốc Chung, Huyện Đoàn Thạch An; Nông Thị Đầm, Huyện Đoàn Hạ Lang; Hoàng Nông Đức Trọng, Huyện Đoàn Hạ Lang.
5 học viên của tỉnh Lạng Sơn gồm: Nguyễn Thanh Bách, Huyện Đoàn Văn Lãng; Lý Minh Châu, Huyện Đoàn Văn Quan; Hoàng Thị Thu Uyên, Huyện Đoàn Đình Lập; Nguyễn Thị Vân Anh, Huyện Đoàn Đình Lập; Trần Văn Vương, Huyện Đoàn Đình Lập.
Và 5 học viên của tỉnh Quảng Ninh gồm: Chíu Sáng Huy, Huyện Đoàn Đầm Hà; Hà Thị Hải Yến, Huyện Đoàn Bình Liêu; Hà Thị Minh Nhâm, Huyện Đoàn Ba Chẽ; Lã Thành Đạt, Huyện Đoàn Ba Chẽ; Nguyễn Văn Thiện, Huyện Đoàn Hải Hà.
Bình Minh